Chơi trị liệu là một hoạt động trị liệu tại Thành Nhân được thiết kế dựa vào nhu cầu tự nhiên của trẻ em, là muốn được vui chơi. Hoạt động này được tổ chức với hai hình thức: Chơi trị liệu cá nhân: 1 chuyên viên – 1 trẻ; hoặc Chơi trị liệu theo nhóm: nhóm 2-3 trẻ (1 chuyên viên), nhóm 4-5 trẻ (2 chuyên viên) tùy theo đặc điểm và khả năng của mỗi trẻ.
Trong giờ Chơi trị liệu, chuyên viên tổ chức các trò chơi có mục đích và hệ thống nhằm đánh giá, hỗ trợ, rèn luyện tất cả các lĩnh vực phát triển của trẻ.
Thông qua trò chơi trẻ tự bộc lộ khả năng của mình về các mặt: nhận thức, cảm xúc, hành vi, đặc biệt là những thiếu hụt trong tính cách và mối quan hệ của trẻ. Trên cơ sở đó, chuyên viên trị liệu xây dựng Kế hoạch trị liệu cá nhân dành riêng cho từng trẻ để hạn chế những khó khăn và phát huy tối đa khả năng trẻ có.
Trò chơi giúp cho trẻ giải tỏa những băn khoăn, vướng mắc, căng thẳng, sợ hãi đồng thời tạo sự thư giãn và hứng thú, tiếp thêm năng lượng cho trẻ khi tham gia vào các khâu khác trong quá trình trị liệu.
Chơi trị liệu là phương pháp tác động hữu hiệu giúp cải thiện sự tương tác giao tiếp và củng cố hành vi tích cực cho trẻ: khi vui chơi, trẻ được tiếp xúc với đồ vật và thế giới xung quanh, thông qua 5 giác quan, trẻ cảm nhận được nhiều kích thích từ môi trường.
VÀ TRÊN HẾT, CHƠI GIÚP CHO TRẺ CẢM THẤY HẠNH PHÚC!
Hoạt động trị liệu Chơi tại Thành Nhân hướng đến:
- Giảm thiểu các khó khăn trong hành vi và cảm xúc của trẻ, giúp cải thiện ngôn ngữ diễn đạt, năng lực tự quan sát, khả năng kiểm soát sự bốc đồng, lo sợ, thất vọng, cải thiện lòng tin cậy và mối liên hệ với người khác.
- Trò chơi trị liệu có luật chơi và trò chơi mang tính xã hội giúp trẻ hiểu được sinh hoạt xã hội, thiết lập mối quan hệ giữa trẻ với mọi người, học tập kỹ năng tương tác xã hội.
- Tăng cường khả năng ghi nhớ, chơi luân phiên, chờ đến lượt.
- Phát triển ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp.
- Rèn luyện sự nhanh nhẹn, khéo léo, phát triển cả vận động tinh và vận động thô cho trẻ.
- Thông qua 5 giác quan, trẻ sẽ tiếp nhận được nhiều kích thích từ môi trường. Tạo điều kiện liên kết các hoạt động giữa các vùng chức năng của não, giúp trẻ nhận biết được thuộc tính của đồ vật, từ đó từng bước phát triển nhận thức và trí tuệ.
Chơi trị liệu tại Thành Nhân được thiết kế và thực hiện bởi cô Nguyễn Thị Hồng Nhung (giáo viên Âm nhạc) và cô Phạm Thị Hường (cử nhân Tâm lý học) dưới sự giám sát, chỉ đạo của Giám đốc Chuyên môn ThS Tạ Thị Đào.
Hai cô đã hoàn thành khóa tập huấn GVI với chủ đề “Sự kì diệu của những điều chưa biết – The Power of YET” do Khoa Giáo dục Đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hợp tác với tổ chức Glocal Ventures – Hoa Kỳ tổ chức. Với 4 chuyên đề:
– Trị liệu giải trí
– Tương tác đa giác quan thông qua trò chơi đóng vai
– Quản lý hành vi trong môi trường hòa nhập
– Kỹ năng sống cho trẻ có nhu cầu đặc biệt.