Chơi trị liệu không chỉ định

Chơi không chỉ định là gì?

Là kiểu chơi không có cấu trúc. Đây là nơi người thực hiện không cần để lại hướng dẫn với trẻ, đưa ra ít ranh giới hơn và để trẻ tự mình vượt qua các vấn đề của mình.

Cách tiến hành

Đặc trưng các phương pháp chơi không chủ định:

Lấy trẻ làm trung tâm vì khả năng chưa bộc lộ rõ, chuyên viên khơi dậy khả năng, nắm bắt mức độ phát triển của trẻ và các tình huống diễn ra.

Tạo bầu không khí vui vẻ, thoải mái để dễ dàng kết nối, gắn bó với trẻ, tạo điều kiện cho trẻ bộc lộ cảm xúc, giải bày trong quá trình chơi. Trẻ nhận thức được mong muốn, nhu cầu của cá nhân trẻ.

Không tác động quá nhiều khi trẻ chơi góp phần cho trẻ tự bình tĩnh lại khi tức giận.

Chấp nhận thực tế chính con người của trẻ.

Đáp ứng lại sự bộc lộ, giải bày của trẻ một cách tinh tế và linh hoạt để trẻ hiểu được sự biểu hiện hành vi, cảm xúc của bản thân.

Chờ đợi và cho trẻ thời gian để lựa chọn và tự giải quyết vấn đề.

Các trò chơi trị liệu không chỉ định

1. Chơi không hướng dẫn

Là một phương pháp tiếp cận ít can thiệp trong khi tương tác với trẻ. Liệu pháp liên quan đến việc thiết lập một mối quan hệ đặc biệt một – một giữa người thực hiện và một trẻ.

Người thực hiện tạo một bầu không khí có tính an toàn và đáng tin cậy mà qua đó trẻ có thể cảm thấy tự do để bộc lộ những cảm xúc, ý nghĩ của chính bản thân trẻ.

Trẻ có thể trực tiếp thông qua lời nói (cách nói cụ thể hoặc mang tính ẩn dụ), gián tiếp thông qua hành vi và nội dung chơi.

8 nguyên tắc thực hành trị liệu chơi không hướng dẫn (Axline, 1978):

(1) Người thực hiện phải phát triển một mối quan hệ thân thiện, nồng ấm với trẻ.

(2) Người thực hiện phải chấp nhận con người hiện tại của trẻ.

(3) Người thực hiện giúp trẻ cảm thấy thoải mái tự do để bộc lộ cảm xúc, hành vi của mình.

(4) Người thực hiện quan sát để nhận ra những cảm xúc của trẻ và phản hồi để trẻ có thể nhìn nhận được hành vi của bản thân mình.

(5) Người thực hiện duy trì một sự tôn trọng sâu sắc đối với khả năng của trẻ trong việc tự giải quyết vấn đề của mình. Trách nhiệm lựa chọn và thực hiện sự thay đổi là việc của bản thân trẻ.

(6) Người thực hiện không cố gắng hướng dẫn trẻ làm gì, nói gì dưới bất kỳ hình thức nào. Lấy trẻ làm trung tâm.

(7) Người thực hiện không cố thúc đẩy tiến trình trị liệu đi tới. Cần hiểu rằng đây là một tiến trình lâu dài, từ từ.

(8) Người thực hiện chỉ nên thiết lập những giới hạn cần thiết để gắn kết tiến trình trị liệu với thực tế đời sống và giúp trẻ nhận ra trách nhiệm của trẻ trong mối quan hệ trị liệu này.

Những đặc trưng liệu pháp chơi không hướng dẫn:

– Chuẩn bị cẩn thận để giúp trẻ có lòng tin vào việc trị liệu.

– Xây dựng một mối quan hệ sâu sắc, tin cậy và có tính chấp nhận.

– Cho phép trẻ tự lựa chọn chủ đề và các trọng tâm trong hoạt động.

– Người thực hiện có khả năng thấu cảm và phản ảnh lại những cảm xúc, những ý nghĩ theo một cách thức không gây sợ hãi cho trẻ.

– Người thực hiện sử dụng chính những cảm xúc và ý nghĩ của mình một cách hài hòa để đáp ứng lại với những hành vi và cảm xúc mà trẻ thể hiện.

– Thiết lập những giới hạn về hành vi của trẻ, tùy theo trình độ phát triển và cảm xúc của trẻ.

2. Liệu pháp chơi kể chuyện

– Cách tiếp cận với trẻ: Sử dụng những câu chuyện kể để giúp trẻ xử lý các cảm xúc của mình bằng sự thấu cảm. Một câu chuyện kể có tính trị liệu thường sử dụng trí tưởng tượng và thuật ẩn dụ nhiều hơn những từ ngữ thông thường. Chuyện kể giúp giao tiếp với trẻ sâu sắc hơn.

– Trẻ kể câu chuyện thông qua các hoạt động chơi, người thực hiện cũng có thể đặt ra câu hỏi để làm rõ ý nghĩa của câu chuyện xoay quanh những hoàn cảnh xã hội đang hiện diện trong đời sống. Một số trẻ  cần đến những giải thích về hoàn cảnh xã hội và những lời giải thích ấy được lồng vào chuyện kể, nội dung chơi.

– Chuyện kể thường không mô tả những hiện tượng thật trong đời sống mà liên quan đến đời sống tưởng tượng trong truyện tranh.

3. Liệu pháp khay cát

– Trò chơi trên cát là một loại công cụ sử dụng trong chơi trị liệu. Những hình mẫu thu nhỏ tượng trưng cho những con người, con vật hoặc sự vật thông thường có thật trong thực tế, được dùng để tạo những bối cảnh và nội dung chơi trên bề mặt cát.

– Không chỉ có khay đựng những nội dung chơi, tác giả còn sáng tạo khi cho thêm cát và nước vào khay.

– Liệu pháp khay cát theo trường phái nhân văn mang đến những trải nghiệm và giúp con người khám phá các ước mơ, hi vọng và tầm nhìn của mình.Trong quá trình chơi, trẻ có thể nhìn lại sản phẩm  mô hình bản thân tạo ra và có những suy nghĩ và thay đổi hành vi.

– Trong liệu pháp khay cát người thực hiện tạo lập một không gian an toàn và có tính chấp nhận để trẻ có thể đối diện với các vấn đề của bản thân. Khay cát cho phép trẻ bộc lộ cảm xúc, hành vi của bản thân họ dưới hình thức biểu tượng không lời, tạo nên một sản phẩm có tính phóng chiếu và thể hiện mối quan hệ của trẻ.

4. Liệu pháp nghệ thuật (vẽ tranh)

Theo quan niệm đương thời, nghệ thuật trị liệu được xem là một trong những phương pháp trị liệu tạo nên tranh, vật thể có thể nhìn thấy được.

Đối với những trẻ đã biết sử dụng bút để vẽ, có thể cho trẻ giấy và bút chì màu để trẻ tự do vẽ bất kì điều gì trẻ nghĩ. Cho trẻ vẽ theo nhạc và cảm xúc của bản thân.

Mặc dù hình do trẻ vẽ thường nguệch ngoạc và không đẹp nhưng lại bộc lộ suy nghĩ cũng như cảm nhận của trẻ thông qua các hình khối, màu sắc và vị trí của các hình vẽ trong khung hình. Để lấy được thông tin, người thực hiện có thể khéo léo hỏi trẻ về những hình trẻ vẽ và hiểu hơn về trẻ.

Cách giải thích hình vẽ của trẻ thể hiện cách thức nhìn nhận và hiểu biết về cuộc sống của trẻ. Quan trọng hơn người thực hiện có thể hiểu được những vấn đề mà trẻ đang đối mặt..

5. Floortime (Chơi trên sàn nhà)

Floortime có thể hiểu theo 2 cách:

  • Kỹ thuật sử dụng khi chơi trên sàn để giúp trẻ đạt được từng mốc phát triển:

Một phương pháp trị liệu chơi đùa phổ biến được gọi là giờ chơi trên sàn, trong đó người thực hiện xuống sàn để chơi với trẻ theo các điều kiện của trẻ. Người thực hiện tham gia  chơi cùng trẻ giống như cách mà trẻ đang chơi, sau đó người thực hiện thêm đồ chơi vào trò chơi.

Nó có thể là một món đồ chơi tiếp theo hoặc một vài từ để giới thiệu ngôn ngữ cho trò chơi. Mục đích  tạo ra trò chơi để tạo mối quan hệ qua lại giữa người thực hiện và trẻ, người thực hiện khuyến khích tăng cường giao tiếp và thêm các khía cạnh mới vào trò chơi của trẻ. Nó sẽ giúp trẻ phát triển về mặt cảm xúc và học cách tập trung suy nghĩ tốt hơn.

  • Là một triết lý dẫn đường cho người hướng dẫn về hoạt động âm ngữ trị liệu hay cách can thiệp, làm việc với trẻ.

6. Trò chơi âm nhạc

Trò chơi âm nhạc được hình thành và phát triển theo từng giai đoạn của xã hội. Trò chơi là sự kết hợp linh hoạt với các hoạt động đã tạo ra đa dạng các loại trò chơi như: Trò chơi đóng vai, trò chơi xây dựng, trò chơi âm nhạc.

Với sự kết hợp của trò chơi âm nhạc đã tạo nên sức hấp dẫn với trẻ. Vừa cảm nhận giai điệu âm nhạc vừa được vui chơi, chính điều đó đã tạo nên sức hút mới mẻ trong khi chơi.

Nghiên cứu về âm nhạc quyển “Âm nhạc và phương pháp giáo dục âm nhạc” của tác giả Tô Thị Nam cho rằng: “Trò chơi âm nhạc là dạng hoạt động âm nhạc tương đối tổng hợp: Ca hát, vận động theo nhạc, nhảy múa, nghe nhạc… dưới những hình thức hấp dẫn, vừa sức và được trẻ yêu thích.

Tác giả Hoàng Lân trong quyển “Làm quen với âm nhạc qua trò chơi”: “Trò chơi âm nhạc với những biện pháp nhẹ nhàng, phù hợp với từng lứa tuổi, bước đầu cho trẻ tiếp xúc với âm nhạc một cách thuận lợi, qua đó bộc lộ khả năng cảm thụ âm nhạc bằng thính giác, tạo nên sự nhạy bén với âm nhạc”.

  • Hoạt động nghe nhạc:

Cho trẻ ngồi nghe nhạc (những bản nhạc du dương hoặc sôi động tùy thuộc theo sở thích của trẻ). Cho trẻ cầm trên tay một chiếc vòng lớn để tự do đung đưa theo điệu nhạc. Người thực hiện có thể mở nhạc hoặc đàn cho trẻ nghe.

  • Hoạt động chơi với nhạc cụ:

Trẻ thực hiện với các nhạc cụ: Gõ trống tự do, tự bấm trên phím đàn, nghe nhạc và gõ phách tự do hoặc chơi với những nhạc cụ tự làm (chai nhựa, hộp nhựa đựng sỏi, các loại hạt để lắc theo điệu nhạc hay tự tạo âm điệu theo cảm xúc suy nghĩ của trẻ).

  • Hoạt động vận động theo nhạc:

Trẻ nghe nhạc và chuyển động cơ thể tự do, có thể là những vận động nhẹ  như: Lắc lư cơ thể, nghiêng người, nhún chân…

You cannot copy content of this page

WordPress Lightbox