Các nghiên cứu về hoạt động giáo dục cá nhân đã nêu lên tầm quan trọng và lợi ích tích cực mà hoạt động này mang lại.
Giờ trị liệu cá nhân gồm 1 trị liệu viên và 1 trẻ, thực hiện trong phòng riêng theo kế hoạch giáo dục cá nhân, được đánh giá kết quả định kì để điều chỉnh phù hợp với sự tiến bộ và khả năng của trẻ.
Giờ trị liệu cá nhân được giám sát, đánh giá một cách có hệ thống.
Trong giờ trị liệu cá nhân, trẻ được trị liệu, giáo dục nhắm đến những mục đích sau:
1. Lĩnh vực bắt chước: đây là kĩ năng cần thiết đối với quá trình học tập và phát triển. Không có bắt chước, trẻ không thể học ngôn ngữ và các hành vi cần thiết để thích nghi với môi trường xã hội. Chuyên viên sẽ hình thành kĩ năng bắt chước cho trẻ nâng dần theo mức độ từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, theo chiều hướng phát triển của từng cá nhân trẻ.
2. Lĩnh vực vận động tinh: là khả năng vận động, phối hợp hoạt động của các nhóm cơ nhỏ trong cơ thể, cử động của các ngón tay, cầm, nắm, đặt để, viết, vẽ,…Các chuyên viên sẽ đưa ra những bài tập nhằm hình thành và củng cố vận động tinh của trẻ liên quan đến sự linh hoạt của các cơ bắp, sự khéo léo của đôi bàn tay và sự phối hợp nhịp nhàng của tay – mắt.
3. Lĩnh vực nhận thức thể hiện: các kĩ năng ở lĩnh vực này bao gồm việc nghe – hiểu ngôn ngữ, chỉ, lấy đồ vật theo yêu cầu, thực hiện yêu cầu hay lựa chọn, giải thích chức năng của đồ vật bằng hành động. Các chuyên viên củng cố khả năng nghe – hiểu của trẻ trước tiên, bắt đầu từ những chỉ dẫn đơn giản: một câu lệnh, một bước. Sau đó nâng dần lên câu phức tạp, tăng số bước thực hiện hoạt động, tùy theo năng lực của trẻ.
4. Lĩnh vực ngôn ngữ nói: đại đa số trẻ có nhu cầu đặc biệt đều gặp khó khăn về ngôn ngữ nói. Trẻ chậm nói, nói ngọng, nói lắp, nói quá nhanh, không nói được câu dài,… Thông qua giờ cá nhân, bằng kĩ thuật âm ngữ trị liệu, chuyên viên sẽ hỗ trợ trẻ hình thành, củng cố, cải thiện kĩ năng về ngôn ngữ nói.
5. Khả năng tập trung: khả năng tập trung, chú ý của trẻ thường rất hạn chế. Do đó, chuyên viên nâng cao thời gian tập trung của trẻ thông qua các hoạt động lôi cuốn sự chú ý rồi dần dần chuyển sang các hoạt động có chủ đích.
6. Trí nhớ: Trẻ có nhiều vấn đề về trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn, bằng phương pháp chia nhỏ nội dung học tập, chuyên viên giúp cho trẻ dễ dàng ghi nhớ, đồng thời củng cố khả năng ghi nhớ trong trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn.
7. Hành vi thích ứng: Trẻ thường có một số hành vi chưa phù hợp, chuyên viên hỗ trợ, định hướng hành vi cho trẻ thông qua các hoạt động như: quan sát tranh ảnh, nghe kể chuyện, đóng vai,…
Việc hình thành, củng cố và hoàn thiện các lĩnh vực trên được lồng ghép trong các hoạt động phát triển sau đây:
- Phát triển kĩ năng sống độc lập, khả năng tự phục vụ.
- Phát triển ngôn ngữ.
- Phát triển vận động tinh, vận động thô.
- Phát triển tương tác và giao tiếp xã hội.
- Phát triển kĩ năng vận động, hoạt động có chủ đích như vui chơi, học tập.