Thực hành dựa trên bằng chứng

Thực hành dựa trên bằng chứng (Evidence-Based Practice – EBP)

Thực hành dựa trên bằng chứng là gì?

Việc nghiên cứu và triển khai các biện pháp can thiệp, hỗ trợ phù hợp cho trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ (Autism Spectrum Disorder – ASD) cùng gia đình là một yêu cầu vô cùng cấp thiết. Trước sự đa dạng trong đặc điểm và nhu cầu của trẻ, các biện pháp can thiệp được xây dựng dựa trên các bằng chứng khoa học đã được chứng minh là mang lại hiệu quả tích cực trong việc phát triển và học tập của trẻ. Can thiệp thực hành dựa trên bằng chứng (Evidence Based Practice – EBP) là một cách tiếp cận trong việc xây dựng và thực hiện các phương pháp can thiệp, dựa trên các nghiên cứu khoa học đáng tin cậy, kết hợp với kinh nghiệm chuyên môn của các nhà trị liệu và nhu cầu cá nhân của trẻ cùng gia đình. Vì thế, việc can thiệp thực hành dựa trên bằng chứng được coi là một cách tiếp cận nhằm đảm bảo rằng các quyết định lâm sàng hoặc chính sách được xây dựng dựa trên dữ liệu nghiên cứu đáng tin cậy, thay vì chỉ dựa vào kinh nghiệm cá nhân hoặc các phương pháp không được kiểm chứng.

Các đặc điểm chính của EBP trong can thiệp trẻ tự kỷ

EBP dựa trên các nghiên cứu đã được công bố trong các tạp chí khoa học uy tín, với phương pháp nghiên cứu nghiêm ngặt như thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên (RCT) hoặc nghiên cứu quan sát. Những phương pháp này được thẩm định thông qua nhiều lần kiểm tra và đạt được kết quả tích cực. Tiếp đến, các nhà trị liệu và giáo viên áp dụng kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ để triển khai các phương pháp can thiệp vào thực tiễn. Họ sẽ thực hiện điều chỉnh linh hoạt các chiến lược tiếp cận, đảm bảo phù hợp với bối cảnh và đáp ứng tối ưu nhu cầu cá nhân của từng trẻ. Tuy vậy, mỗi trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ đều có những điểm mạnh, thách thức và mục tiêu riêng biệt, đòi hỏi các phương pháp can thiệp phải được điều chỉnh linh hoạt . EBP sẽ xem xét sự tham gia và nguyện vọng của gia đình, từ đó đảm bảo can thiệp không chỉ hiệu quả mà còn phù hợp với giá trị và bối cảnh văn hóa. Các can thiệp như chương trình trị liệu có cha mẹ tham gia đã được chứng minh hiệu quả trong việc cải thiện kỹ năng xã hội và giao tiếp của trẻ, đặc biệt khi được triển khai trong môi trường gia đình. Cuối cùng, EBP yêu cầu việc đánh giá liên tục để đảm bảo phương pháp can thiệp đạt hiệu quả. Nếu cần thiết, các điều chỉnh sẽ được thực hiện để tối ưu hóa kết quả và đảm bảo sự tiến bộ lâu dài của trẻ.

Một số phương pháp EBP phổ biến cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ

–        Phân tích hành vi ứng dụng (ABA – Applied Behavior Analysis): Một phương pháp được nghiên cứu rộng rãi và chứng minh hiệu quả trong việc cải thiện hành vi, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng xã hội của trẻ tự kỷ. ABA tập trung vào việc dạy các kỹ năng mới và giảm các hành vi không mong muốn thông qua hệ thống phần thưởng và củng cố tích cực. Phương pháp này đã được nghiên cứu rộng rãi và được công nhận là một trong những phương pháp hiệu quả nhất trong hỗ trợ trẻ tự kỷ phát triển các kỹ năng sống quan trọng.

–        Hỗ trợ giao tiếp thay thế (AAC – Augmentative and Alternative Communication): Các công cụ và chiến lược như bảng giao tiếp, ứng dụng công nghệ hoặc ngôn ngữ ký hiệu để hỗ trợ trẻ giao tiếp hiệu quả. Nghiên cứu cho thấy AAC không chỉ giúp cải thiện khả năng giao tiếp mà còn hỗ trợ phát triển ngôn ngữ, kỹ năng xã hội và chất lượng cuộc sống cho trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ và các nhóm có nhu cầu giao tiếp đặc biệt khác.

–        Trị liệu ngôn ngữ (Speech and Language Therapy): Tập trung vào việc phát triển kỹ năng giao tiếp bằng lời hoặc không lời, phù hợp với khả năng của trẻ.

–       Phương pháp TEACCH (Treatment and Education of Autistic and related Communication-handicapped Children): Phương pháp này được cá nhân hóa để phù hợp với nhu cầu và khả năng của từng người, nhấn mạnh vào việc phát triển kỹ năng sống thực tiễn. Ngoài ra, TEACCH còn hợp tác chặt chẽ với gia đình để cung cấp hướng dẫn và tài nguyên hỗ trợ tối ưu.

–        Can thiệp dựa vào môi trường tự nhiên (Naturalistic Developmental Behavioral Interventions – NDBI):  Tích hợp các chiến lược phát triển và hành vi trong các hoạt động hàng ngày để hỗ trợ học tập tự nhiên. Thông qua việc sử dụng các hoạt động quen thuộc, trẻ có thể thực hành liên tục, giúp củng cố và nâng cao kiến thức một cách hiệu quả.

Ý nghĩa của EBP trong can thiệp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ

ASD là một tình trạng phức tạp và đa dạng, không đồng nhất. Sự phát triển của ASD gắn liền với một nền tảng di truyền phức tạp, cùng với những yếu tố sinh lý và thần kinh đa dạng. Do đó, việc xây dựng các hướng dẫn lâm sàng có căn cứ khoa học là cần thiết, nhằm hỗ trợ các chuyên gia áp dụng các phương pháp can thiệp hiệu quả, dựa trên các bằng chứng từ các nghiên cứu và nguồn tài liệu đáng tin cậy.

Một trong những lợi ích quan trọng nhất của EBP là khả năng giảm thiểu nguy cơ sử dụng các phương pháp can thiệp không hiệu quả hoặc thiếu an toàn. Các can thiệp dựa trên EBP luôn được thiết kế dựa trên những nghiên cứu khoa học đáng tin cậy, giúp xác định những phương pháp đã được chứng minh là hiệu quả trong thực tiễn. Điều này đảm bảo rằng trẻ sẽ nhận được sự hỗ trợ có cơ sở, qua đó tối ưu hóa cơ hội phát triển và tiến bộ của trẻ. Một lợi ích khác của EBP là việc đảm bảo tính nhất quán và minh bạch trong quá trình can thiệp. Các phương pháp can thiệp được chuẩn hóa, dựa trên cơ sở khoa học, cho phép các chuyên gia và gia đình phối hợp một cách hiệu quả hơn. Ngoài ra, gia đình được đóng vai trò trung tâm trong việc ra quyết định, đảm bảo rằng các can thiệp được lựa chọn phù hợp với nhu cầu, mong muốn và điều kiện cụ thể của từng gia đình. Việc gia đình tham gia vào quá trình quyết định không chỉ giúp tăng cường tính cá nhân hóa của các can thiệp mà còn đảm bảo rằng các phương pháp can thiệp không mâu thuẫn với giá trị và thực tế cuộc sống của gia đình.

Kết luận, can thiệp thực hành dựa trên bằng chứng là một phương pháp tiếp cận khoa học và có hệ thống, được xây dựng dựa trên các nghiên cứu thực nghiệm và dữ liệu có tính thuyết phục, nhằm tối ưu hóa quá trình can thiệp và hỗ trợ sự phát triển của trẻ tự kỷ. EBP không chỉ dựa trên các nghiên cứu về hiệu quả can thiệp mà còn chú trọng đến sự kết hợp giữa các yếu tố văn hóa, xã hội và đặc điểm cá nhân của trẻ. Việc áp dụng EBP trong giáo dục và can thiệp cho trẻ tự kỷ giúp đảm bảo tính chính xác, linh hoạt và phù hợp với từng giai đoạn phát triển, từ đó nâng cao khả năng phát triển toàn diện về nhận thức, hành vi và giao tiếp cho trẻ.

Theo: Thạc sĩ Giáo dục đặc biệt Tạ Thị Đào

You cannot copy content of this page

Hotline: 0933 257 004