Hiện nay, tỉ lệ trẻ bị rối loạn ngôn ngữ chiếm khá cao và có xu hướng tăng lên theo từng năm. Nhiều phụ huynh lo lắng và rất bối rối khi biết con mình bị rối loạn ngôn ngữ. Vậy Rối loạn ngôn ngữ là gì, nguyên nhân do đâu và giải pháp cho vấn đề này thế nào?
DẤU HIỆU RỐI LOẠN NGÔN NGỮ Ở TRẺ
Rối loạn ngôn ngữ có bốn nhóm cơ bản:
* Rối loạn tiếp nhận ngôn ngữ
* Rối loạn phát triển, chậm nói
* Rối loạn về phát âm
* Rối loạn ngôn ngữ khác
– Nhận biết đối với nhóm “Rối loạn tiếp nhận ngôn ngữ”:
Tuy thính giác của trẻ hoàn toàn bình thường nhưng trẻ tỏ ra thờ ơ với câu chuyện mà bạn hoặc người khác đang nói với trẻ. Tương tự, trẻ cũng không quan tâm khi có người đọc sách, kể truyện cho trẻ nghe. Trẻ không hiểu những câu nói phức tạp. Mặc dù trẻ không có ý chống đối nhưng trẻ không làm theo được những lời hướng dẫn của cha mẹ, người lớn. Nhìn chung, khả năng nghe hiểu của trẻ đều kém so với các bạn cùng lứa tuổi.
– Nhận biết đối với nhóm “Rối loạn phát triển, chậm nói”:
Ngôn ngữ nói của trẻ được phát triển theo từng bước, nếu có những biểu hiện sau thì có thể con bạn đang có “rối loạn phát triển, chậm nói”:
+ Từ 2 – 3 tháng, trẻ chưa phát âm họng.
+ Từ 7 – 9 tháng, trẻ chưa bập bẹ tập nói “ba ba”, “ma ma” ,…
+ Từ 12 – 18 tháng, trẻ chưa bập bẹ nói được một vài từ đơn giản.
+ 24 tháng, trẻ chỉ nói một vài từ, giao tiếp thông qua chỉ trỏ hoặc những tiếng càu nhàu.
+ 30 tháng, trẻ chỉ nói được âm đơn lẻ, không nói rõ ràng cả từ, vốn từ ít hơn 50 từ.
+ 36 tháng, trẻ chỉ sử dụng được cụm 2 từ đơn giản, người lạ không hiểu được lời bé nói.
– Nhận biết đối với nhóm “Rối loạn về phát âm”:
Trẻ nói ngọng, nói lắp, nói sai ngữ pháp, nói thiếu từ, nói với một mức âm vực, nói quá nhanh, nói quá chậm,…
– Nhận biết đối với nhóm “Rối loạn ngôn ngữ khác”:
Trẻ nói một mình, phát âm vô nghĩa, nói nhại lời, nói lộn xộn, nói không đúng ngữ cảnh,…
NGUYÊN NHÂN RỐI LOẠN NGÔN NGỮ Ở TRẺ
– Bệnh lý hệ thần kinh
– Bất thường hệ thống phát âm: dính thắng lưỡi, hở hàm ếch, …
– Hạn chế về giao tiếp hai chiều: xem ti vi quá nhiều, chơi đồ chơi 1 mình, ít trò chuyện với bố mẹ, ít tương tác với bạn cùng trang lứa,…
– Khả năng tập trung hạn chế
– Khả năng bắt chước hạn chế
– Khả năng tri giác thính giác hạn chế
– Trẻ có thể mắc hội chứng Tự kỷ, hội chứng Down, Tăng động giảm tập trung, Chậm phát triển trí tuệ.
HẬU QUẢ CỦA RỐI LOẠN NGÔN NGỮ Ở TRẺ
– Việc trì hoãn đợi bé tự hoàn thiện kỹ năng ngôn ngữ có thể làm chậm quá trình hòa nhập với môi trường sống, ảnh hưởng tới các kỹ năng xã hội, khả năng học hỏi và sự phát triển trí tuệ của bé.
– Nếu trẻ chậm nói, nói ngọng, nói lắp mà không có phương pháp hỗ trợ để phát triển giao tiếp thì trẻ sẽ dễ rơi vào tình trạng thu mình, thụ động, thiếu tự tin, kém hòa nhập.
– Nhìn chung, khả năng nghe và nói của trẻ đều kém so với các bạn cùng lứa tuổi.
– Rối loạn tiếp thu ngôn ngữ thường đi kèm với những rối loạn phát triển như tự kỷ, tăng động giảm tập trung, Down, chậm phát triển trí tuệ,…
GIẢI PHÁP ĐỐI VỚI TRẺ BỊ RỐI LOẠN NGÔN NGỮ
– Không nên chủ quan về biểu hiện rối loạn ngôn ngữ, không nên để trẻ tự hoàn thiện.
– Cần thiết đưa trẻ đi thăm khám tại các bệnh viện chuyên khoa nhi hoặc trung tâm về can thiệp chuyên biệt để được phát hiện, đánh giá về mức độ phát triển ngôn ngữ theo các thang đánh giá, từ đó đưa ra kế hoạch can thiệp kịp thời.
– Việc can thiệp về ngôn ngữ thường sẽ kéo dài, có thể đến vài năm và theo kế hoạch từng giai đoạn cụ thể.
– Với trẻ dưới 3 tuổi và chưa biết nói thì tuyệt đối không cho xem ti vi, chơi điện thoại,…
– Tăng cường tương tác hai chiều với trẻ.
– Không để trẻ chơi một mình.
ThS. Giáo dục đặc biệt
(theo Định hướng Ứng dụng)
Tạ Thị Đào