Các kĩ thuật can thiệp hành vi trong lớp học (phần 2)

17. Phương thức tự quản lý bản thân

Dạy cho trẻ giám sát và đánh giá hành vi của chính mình mà không cần sự quản lý của giáo viên. Trong một hệ thống tự quản lý riêng biệt, giáo viên xác định những hành vi trẻ sẽ được quản lý bởi chính trẻ và chuẩn bị cho trẻ một thang đánh giá đã viết sẵn bao gồm những tiêu chuẩn thực thi cho mỗi đánh giá. Giáo viên và trẻ sẽ đánh giá một cách độc lập hành vi của trẻ trong một hoạt động và sau đó so sánh sự đánh giá. Trẻ sẽ được điểm nếu đánh giá của hai bên trùng nhau và không được điểm nếu bị lệch về một bên; điểm được đổi thành phần thưởng. Dần dần, vai trò đánh giá của giáo viên sẽ không còn nữa và trẻ trở thành người chịu trách nhiệm cho việc tự giám sát của mình.

18. Sử dụng thẻ báo cáo hằng ngày

Thẻ báo cáo hằng ngày là một trong những cách thức can thiệp được thực hiện thường xuyên nhất cho trẻ có KKVH, được xem như một bản ghi chú giữa gia đình – nhà trường giúp tăng cường sự giao tiếp, trao đổi giữa phụ huynh và giáo viên; khuyến khích sự tham gia của phụ huynh. Đây là một dạng can thiệp lớp học dựa vào gia đình, theo đó phụ huynh sẽ thường xuyên nhận được phản hồi về hành vi của trẻ trên lớp học.

Các thẻ sau khi được hoàn thành sẽ được giáo viên gửi về gia đình hằng ngày bao gồm thông tin về tần số thể hiện hành vi của trẻ vào ngày hôm đó. Bố mẹ có trách nhiệm đưa ra những phần thưởng cho những hành vi phù hợp của trẻ.

Việc sử dụng thẻ báo cáo hằng ngày giúp giáo viên bớt áp lực trong việc tìm ra những củng cố hữu hiệu cho trẻ và dành thời gian để cung cấp các hệ quả. Những ghi chú cũng đề cao trách nhiệm của cha mẹ đối với mỗi trẻ. Đơn giản, dễ dàng và không tốn thời gian là những đặc điểm của thẻ báo cáo hằng ngày.

Mẫu thẻ báo cáo hằng ngày (hình minh họa phía dưới)

Cách sử dụng thẻ báo cáo hằng ngày

Thẻ báo cáo hằng ngày là một “bản hợp đồng về hành vi” giữa giáo viên, phụ huynh và trẻ. Đây là can thiệp dựa trên bằng chứng khoa học được sử dụng để xác định, giám sát và thay đổi hành vi mục tiêu giúp tăng cường sự kết nối, trao đổi giữa gia đình và nhà trường, tạo ra môi trường tích cực, tạo động lực cho trẻ thay đổi hành vi. Cách sử dụng thẻ báo cáo hằng ngày được trình bày dưới đây:

– Xem xét các hành vi cần cải thiện

+ Thảo luận với trẻ, phụ huynh và giáo viên để xác định hành vi mục tiêu.

+ Xác định được lĩnh vực khiếm khuyết lớn nhất của trẻ.

+ Xác định mục tiêu theo những gì mà trẻ cần làm có liên quan đến lĩnh vực khiếm khuyết đó.

+ Các phạm vi thay đổi chính là: Cải thiện, tăng cường mối quan hệ với bạn bè; tăng cường, cải thiện các kĩ năng học tập; tăng cường, cải thiện khả năng làm theo yêu cầu và mối quan hệ với người lớn.

– Xác định sẽ làm gì để đạt được mục tiêu đề ra

Xác định hành vi: Xác định các hành vi cụ thể có thể thay đổi để làm cho quá trình đạt đến mục tiêu dễ dàng hơn. Những hành vi này sẽ được gọi là hành vi mục tiêu. Các hành vi mục tiêu cần phải có ý nghĩa, hành vi mà giáo viên và trẻ có thể đo lường được. Khi thiết lập các hành vi mục tiêu, cần ghi nhớ:

+ Hành vi mục tiêu phải luôn gắn liền với mục đích, là hành vi có ý nghĩa có thể sẽ giúp trẻ đạt được mục đích.

+ Hành vi mục tiêu phải được định nghĩa rõ ràng, trẻ, giáo viên, phụ huynh đều có thể hiểu được mục tiêu.

+ Hành vi mục tiêu có thể quan sát được và là hành vi mà giáo viên và trẻ đều có thể đếm được số lần.

+ Một thẻ báo cáo hằng ngày tốt có thể có 3 – 8 hành vi mục tiêu, phụ thuộc vào lứa tuổi và khả năng của trẻ.

Ví dụ: Các hành vi mục tiêu trong các lĩnh vực cụ thể: Cải thiện mối quan hệ với bạn bè, không làm phiền các bạn khác nếu các bạn đang làm việc gì đó, không trêu chọc bạn; chơi cùng và không đánh nhau với bạn trong giờ giải lao, cải thiện việc học tập; có đủ đồ dùng học tập để hoàn thành nhiệm vụ được giao, hoàn thành các nhiệm vụ học tập, hoàn thành và nộp bài tập về nhà; cải thiện việc tuân thủ các quy định, quy tắc trong lớp học; làm theo những nhiệm vụ giáo viên đưa ra, không cãi lại giáo viên, tuân thủ các quy định trong lớp.

19. Quyết định hành vi mục tiêu và phân loại vào thẻ báo cáo hằng ngày

– Ước lượng xem trẻ có thể thực hiện hành vi mục tiêu bao nhiêu lần một ngày (Ví dụ: Trẻ có thường xuyên không vâng lời không; thường xuyên quay ra quay vào trong lúc làm bài tập; bao nhiêu lần hoàn thành các nhiệm vụ được giao). Có thể sẽ không có được một ước lượng thật cụ thể và chi tiết nhưng việc quan sát sẽ giúp chúng ta biết được mức độ trẻ thực hiện các hành vi và chọn ra được hành vi mục tiêu trong ngày.

– Xác định các hành vi để đưa vào trong thẻ.

– Không nên chọn quá nhiều hành vi, chỉ nên chọn từ 3 đến 8, tùy thuộc vào độ tuổi và khả năng của trẻ.

– Các hành vi mục tiêu cần được lượng giá nhiều lần vào các khoảng thời gian khác nhau trong ngày (Ví dụ: Sau mỗi giờ học) để đưa ra phản hồi thường xuyên về các hành vi của trẻ và thấy được một cách trực quan về những thay đổi của trẻ trong suốt cả ngày.

– Thiết lập tiêu chuẩn cho mỗi hành vi. Tiêu chuẩn là mức độ mà trẻ có thể có để đạt được những điểm tích cực cho hành vi đó.

20. Giải thích thẻ báo cáo nhiệm vụ hằng ngày với trẻ

– Có cả sự tham gia của giáo viên, phụ huynh và trẻ.

– Giải thích tất cả các thành tố của thẻ báo cáo với trẻ một cách tichs cực.

  + Giải thích rằng thẻ báo cáo hằng ngày được sử dụng để giúp trẻ tập trung vào những điều quan trọng và học cách để vượt qua những vấn đề hiện tại của trẻ.

  + Giải thích rằng trẻ có thể đạt được nhiều phần thưởng cho hành vi tốt và thực hiện nhiều hành vi tốt ở trường giúp trẻ có thể học tập, sau đó có thể báo cáo lại cho phụ huynh để nhận được phần thưởng.

  + Giải thích phương pháp này sẽ được sử dụng với thẻ báo cáo.

21. Thiết lập hệ thống phần thưởng từ gia đình

Phần thưởng tạo động lực cho trẻ phấn đấu, để trẻ thực hiện thẻ báo cáo hằng ngày tốt hơn và nó là một thành tố của chương trình GDHN, giáo viên nên:

– Để cho trẻ lựa chọn phần thưởng.

– Bố trí các phần thưởng sao cho trẻ có thể nhận được nhiều hơn hoặc ít hơn các phần thưởng tùy theo mức độ thực hiện hành vi mục tiêu.

– Tư vấn cho bố mẹ của trẻ để chắc chắn rằng họ có một hệ thống phần thưởng hiệu quả được thiết lập ở nhà để củng cố những hành vi tích cực của trẻ.

– Phần thưởng nên tự nhiên, không phải ngượng ép thêm vào.

Ví dụ: Một đứa trẻ thích xem ti vi, trước đó thì việc này là miễn phí và không cố định, có thể làm cho nó trở thành phần thưởng nếu trẻ thực hiện tốt những hành vi ghi trong thẻ.

– Sử dụng phần thưởng hằng ngày và phần thưởng hằng tuần.

Ví dụ: Nếu bố mẹ có kế hoạch mua cho trẻ một thứ gì đó có giá trị lớn như xe đạp, …, đó cũng có thể trở thành phần thưởng lớn. Một bức tranh về chiếc xe đạp có thể được cắt ra thành mảnh nhỏ và trẻ có thể kiếm được các mảnh nhỏ khi làm tốt mỗi tuần và sẽ được mua xe đạp khi mảnh ghép của các bức tranh đã hoàn chỉnh.

22. Giám sát và điều chỉnh thẻ báo cáo

– Ghi lại số lần trẻ hoàn thành tốt mục tiêu.

– Khi trẻ đã thường xuyên đạt được các tiêu chí, hãy làm cho các tiêu chí trở nên khó đạt được hơn. Nếu trẻ thưởng xuyên không đạt được, hãy làm cho các tiêu chí trở nên dễ đạt được hơn.

– Khi tiêu chí cho một mục tiêu ở mức chấp nhận được và đứa trẻ liên tục đạt được nó, hãy giảm hành vi đó trong thẻ. Hãy giải thích để đứa trẻ biết tại sao hành vi đó bị bỏ và nếu cần thì có thể thay bằng một mục tiêu khác.

– Chuyển sang thẻ báo cáo hằng tuần nếu trẻ đã làm tốt các việc trong thể báo cáo hằng ngày.

– Thẻ báo cáo có thể được sử dụng khi trẻ có những hành vi thích hợp trong lớp học và thẻ có cũng có thể được phục hồi nếu các vấn đề bắt đầu xuất hiện trở lại.

Mẫu thẻ báo báo hàng tuần

Bài viết liên quan

 

 

 

You cannot copy content of this page

WordPress Lightbox
Hotline: 0933 257 004