Các chiến lược làm việc với trẻ gặp khó khăn về học (phần 1)

Bước đầu tiên trong việc xây dựng sự hỗ trợ trong lớp cho trẻ là sự hiểu biết về điểm mạnh và nhu cầu của trẻ. Điều này liên quan đến việc đánh giá chính thức và không chính thức, cũng như sự hợp tác giữa các chuyên gia giáo dục và gia đình của trẻ. Dựa vào những điểm mạnh, nhu cầu và các vấn đề của mỗi trẻ, nội dung dưới đây đưa ra những gợi ý cho các chiến lược mà giáo viên có thể lựa chọn sử dụng khi làm việc trong lớp với trẻ.

1. Trước giờ học

Trẻ có khó khăn về học (KKVH) nên được cùng với cả lớp thực hiện các hoạt động vận động cơ thể. Điều này giúp trẻ thoải mái và chuẩn bị sẵn sàng bước vào giờ học.

Ví dụ: Giáo viên hoặc nhóm bạn cùng lớp tổ chức một vài hoạt động vui chơi vận động thông thường ngoài sân hoặc khởi động trong lớp để chuẩn bị vào bài học mới. Việc “xả” năng lượng trước giờ học sẽ giúp trẻ có thể ngồi tập trung vào bài giảng tốt hơn.

2. Khi giới thiệu bài học

Trẻ học tốt nhất với bài học có cấu trúc rõ ràng. Giáo viên cần giải thích mục tiêu của bài học mà trẻ cần đạt được, đặt các kĩ năng và kiến thức này vào bối cảnh của bài học trước đó. Giáo viên xem xét trước kì vọng về những gì trẻ sẽ học và cách trẻ nên làm trong bài học.

Giáo viên nên:

Chuẩn bị cho trẻ bài học trong ngày bằng cách tổng kết thứ tự các hoạt động theo kế hoạch (lịch trình hoạt động);

Xem lại các bài học trước. Xem xét các vấn đề ở bài học trước khi mô tả bài mới;

Thiết lập các kì vọng học tập. Thiết lập những gì trẻ cần học trong bài học;

Thiết lập kì vọng về hành vi. Mô tả cách thức trẻ phải thực hiện trong bài học. Ví dụ: Giơ tay đúng để xin cô đi vệ sinh;

Xác định tất cả các đồ dùng học tập cần thiết cho bài học. Ví dụ: chuẩn bị cho trẻ chuẩn bị trước bút chì màu, kéo và giấy màu cho bài học môn Thủ công;

Giải thích về các nguồn lực hỗ trợ. Giáo viên gợi ý trẻ cách để có được sự giúp đỡ trong bài học. Ví dụ: giáo viên cho trẻ xem một trang cụ thể trong sách giáo khoa để biết có phần hướng dẫn cách hoàn thành một bảng tính.

Đơn giản hóa việc hướng dẫn, lựa chọn, lập kế hoạch. Đơn giản hóa việc truyền đạt cho trẻ có KKVH, nhiều khả năng trẻ sẽ hiểu và hoàn thành nhiệm vụ kịp thời, hiệu quả.

3. Khi tiến hành bài học

Để tiến hành các bài học hiệu quả, giáo viên nên thường xuyên đưa ra cau hỏi nằm trong hiểu biết của trẻ về bài học (vùng phát triển gần), thăm dò câu trả lời của trẻ trước khi gọi các trẻ khác và xác định xem những trẻ nào cần phải được trợ giúp thêm.

Giáo viên lưu ý rằng quá trình chuyển từ bài học này sang bài học khác có thể là khó khăn với trẻ có KKVH. Các chiến lược dưới đây có thể hỗ trợ giáo viên trong việc tiến hành các bài học một cách hiệu quả:

Cấu trúc và tính nhất quán rất quan trọng, nhiều trẻ không ứng phó tốt với sự thay đổi. Quy tắc tối thiểu và sự lựa chọn tối thiểu là tốt nhất cho trẻ có KKVH. Trẻ cần phải hiểu rõ những gì được mong đợi ở trẻ cũng như những hệ quả khi trẻ không theo quy tắc hay không đạt được kì vọng (chính sách “Thưởng – Phạt”).

Hỗ trợ sự tham gia của tất cả trẻ trong lớp học, cung cấp cho trẻ có KKVH các dấu hiệu, tín hiệu riêng, kín đáo để tham gia vào nhiệm vụ và cảnh báo rằng trẻ sẽ được gọi trong thời gian ngắn. Giáo viên tránh dành sự chú ý khác nhau giữa trẻ có KKVH và các bạn cùng lớp. Trong mọi thời điểm, tránh việc mỉa mai và chỉ trích.

Sử dụng các thiết bị nghe, nhìn trong giảng dạy.

Kiểm tra kết quả học tập, hỏi trẻ để đánh giá về bài học. Ví dụ: giáo viên có thể yêu cầu trẻ hoàn thành bài ngay trên lớp để xác định cách trẻ trả lời cho một vấn đề.

Hỏi câu hỏi thăm dò. Thăm dò câu trả lời chính xác sau một khoảng thời gian đủ để trẻ đưa ra câu trả lời. Đếm ít nhất 15 giây trước khi đưa ra câu trả lời hoặc gọi trẻ khác trả lời. Đặt câu hỏi tiếp theo để trẻ có cơ hội trình bày những gì trẻ biết.

Thực hiện đánh giá trẻ liên tục. Xác định những trẻ cần trợ giúp thêm. Giáo viên giải thích thêm hoặc yêu cầu trẻ khác hỗ trợ trẻ đó.

Giúp trẻ tự sửa chữa lỗi sai. Mô tả cách trẻ có thể tự xác định và sửa chữa lỗi sai.

Ví dụ: nhắc trẻ rằng trẻ nên kiểm tra phép tính của mình trong môn Toán và nhắc lại cách để trẻ có thể kiểm tra phép tính; nhắc trẻ các quy tắc chính tả đặc biệt phức tạp và cách trẻ có thể tìm ra các lỗi dễ mắc phải.

Giúp trẻ tập trung. Nhắc trẻ làm việc và tập trung vào nhiệm vụ được giao.

Cách đưa ra các hướng dẫn:

+ Hướng dẫn bằng lời: Sau khi đưa ra các hướng dẫn dành cho cả lớp, giáo viên đưa ra thêm các hướng dẫn bằng lời cho trẻ có KKVH. Ví dụ: Giáo viên hỏi trẻ nếu trẻ hiểu các hướng dẫn và yêu cầu trẻ nhắc lại.

+ Hướng dẫn bằng chữ viết. Ví dụ: Giáo viên viết số trang của bài tập lên bảng và nhắc nhở trẻ nhìn vào bảng nếu trẻ quên bài tập.

Giám sát mức độ tiếng ồn trong lớp học và đưa ra thông tin phản hồi để điều chỉnh khi cần thiết. Nếu mức độ tiếng ồn vượt quá mức độ phù hợp, nhắc nhở tất cả trẻ hoặc một trẻ về các quy tắc hành vi đã được quy định từ đầu.

Phân chia công việc thành các đơn vị nhỏ hơn (Từng bước nhỏ một). Chia nhỏ bài tập thành các nhiệm vụ nhỏ hơn, ít phức tạp hơn:

+ Giới hạn số lượng công việc ở mỗi trang;

+ Cho phép thêm thời gian để hoàn thành nhiệm vụ;

+ Dành thời gian nghỉ giải lao;

+ Giảm độ dài của bài tập viết.

Nhấn mạnh những điểm chính: Nhấn mạnh từ khóa trên bảng để giúp trẻ có KKVH tập trung vào các hướng dẫn. Chuẩn bị bảng trước khi buổi học bắt đầu hoặc gặp chân các từ khóa khi giáo viên và trẻ cùng đọc hướng dẫn. Khi đọc, chỉ cho trẻ cách để xác định và đánh dấu một câu quan trọng hoặc để trẻ viết vào một tờ giấy. Trong môn Toán, chỉ cho trẻ cách để nhấn mạnh các sự kiện và hoạt động quan trọng.

Ví dụ: Trong câu “Chi có hai quả táo và Ngọc có ba quả táo”, nhấn mạnh “hai” và “ba”.

Loại bỏ hoặc giảm tần số của các bài kiểm tra tính thời gian. Bài kiểm tra tính thời gian có thể khiến trẻ có KKVH không thể hiện được những gì trẻ thực sự biết.

Sử dụng chiến lược học tập hợp tác: Yêu cầu trẻ làm việc cùng nhau trong các nhóm nhỏ để tối đa hóa khả năng học tập của mỗi cá nhân. Sử dụng chiến lược như Suy nghĩ – Cặp đôi – Chia sẻ, tức là giáo viên yêu cầu trẻ suy nghĩ về một chủ đề, bắt cặp nhóm với một trẻ khác để thảo luận và chia sẻ ý tưởng.

Sử dụng công nghệ hỗ trợ: Tất cả trẻ và đặc biệt là trẻ có KKVH có thể hưởng lợi từ việc sử dụng công nghệ (như máy tính và màn hình máy chiếu), giáo viên thực hiện hướng dẫn trực quan hơn và cho phép trẻ tham gia một cách tích cực.

Giáo viên kết thúc bài học bằng cách đưa ra thông báo nhắc nhở trước rằng bài học sắp kết thúc, kiểm tra bài tập đã hoàn thành, ít nhất là kiểm tra bài của một số trẻ có KKVH và hướng dẫn trẻ chuẩn bị cho các họat động tiếp theo.

Bài viết liên quan

 

 

 

You cannot copy content of this page

WordPress Lightbox
Hotline: 0933 257 004