Là một chuyên viên can thiệp vận động cho trẻ có nhu cầu đặc biệt, tôi đã có cơ hội làm việc với nhiều trẻ, mỗi em đang đối mặt với những khó khăn khác nhau. Trong nhiều năm, tôi đã can thiệp cho nhiều trẻ có những rối loạn phát triển như: tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ (chậm khôn), down, tăng động giảm chú ý, v.v. Mỗi trẻ đưa ra một loạt thách thức riêng, nhưng tôi nhận thấy rằng với cách tiếp cận phù hợp, mọi trẻ đều có thể phát triển tốt trong các hoạt động vận động.
Một trong những cách quan trọng mà tôi đã điều chỉnh phương pháp can thiệp của mình là sửa đổi các hoạt động để phù hợp với khả năng của từng trẻ giúp trẻ có thể tiếp cận dễ dàng hơn, tự tin hơn. Ví dụ, nếu muốn hướng dẫn trẻ động tác nhảy tới đồng thời dang chân thì tôi hướng dẫn trẻ từng động tác bổ trợ đó là: động tác nhảy tới và động tác dang hai chân, hai động tác được hướng dẫn độc lập với nhau, cho đến khi trẻ thực hiện thuần thục từng động tác thì tôi hướng dẫn trẻ thực hiện kết hợp hai động tác.
Giao tiếp là một khía cạnh quan trọng khác của việc can thiệp vận động cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt. Một số trẻ mà tôi can thiệp chưa biết nói hoặc có khả năng giao tiếp hạn chế, vì vậy tôi đã phải phát triển những cách sáng tạo để hiểu nhu cầu của các em và giúp các em hiểu hướng dẫn của tôi. Điều này có thể bao gồm việc sử dụng tín hiệu tay, nét mặt hoặc các tín hiệu phi ngôn ngữ khác để truyền đạt thông tin.
Bằng kinh nghiệm, tôi nhận thấy rằng việc can thiệp vận động cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt mang lại rất nhiều lợi ích cho các em. Tôi đã có cơ hội giúp trẻ tiến bộ rõ rệt, cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhìn thấy một trẻ bước những bước đầu tiên hoặc một em mắc chứng tự kỷ có thể kiểm soát hành vi và thực hiện thành công một động tác vận động là điều khiến tôi vô cùng hạnh phúc và là động lực để tôi vượt qua những khó khăn, thách thức.