Chơi chỉ định là một cách tiếp cận có hướng dẫn, trong đó chuyên viên là người trực tiếp đưa ra các hướng dẫn, lời khuyên hoặc cố gắng di chuyển một phiên trị liệu chơi. Mỗi phiên trị liệu có thể hướng đến giải quyết một chủ đề hoặc mục tiêu cụ thể.
Chơi chỉ định có cấu trúc luật chơi rõ ràng, đơn giản hóa các luật chơi để phù hợp với đặc điểm phát triển của người chơi.
Cách tiến hành chơi trị liệu có chỉ định
Các chuyên viên trị liệu cần chọn chủ đề chơi phù hợp với mục đích trị liệu nhằm cải thiện hiệu quả một kỹ năng hoặc nhận thức nào đó của trẻ. Ví dụ: Đối với các trẻ thiếu kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, chuyên viên chọn các trò chơi đóng vai, chơi tưởng tượng, … thuộc chủ đề gia đình, nghề nghiệp, bạn bè.
Lựa chọn trò chơi phù hợp với đặc điểm phát triển của trẻ, trò chơi ấy dành cho cá nhân hay nhóm.
– Số lượng trẻ tham gia chơi là bao nhiêu người để trò chơi có thể đạt hiệu quả cao nhất.
+ Đồ chơi dùng trong các trò chơi phải an toàn và được chuẩn bị trước để không ảnh hưởng đến mạch trò chơi và hứng thú khi chơi.
+ Chuyên viên là thành phần quan trọng để tổ chức, dẫn dắt và hỗ trợ các trẻ tham gia chơi. Thông qua sự dẫn dắt của chuyên viên, trẻ sẽ hiểu luật chơi là gì, cách chơi như thế nào, mình cần làm gì để hoàn thành trò chơi.
+ Chuyên viên quy định luật chơi đối với trẻ, cần tuân thủ đúng luật đã quy định trước.
+ Chuyên viên hướng dẫn cách chơi, có thể làm mẫu cách thực hiện cho trẻ, việc hiểu cách chơi giúp trẻ có thể thực hiện đúng luật và chơi đúng cách.
– Quy định luật cho trò chơi, có những giới hạn rõ ràng nhưng vẫn cần tạo bầu không khí vui vẻ, thoải mái và cảm giác không quá căng thẳng cho trẻ khi tham gia.
+Thời lượng diễn ra trò chơi cần được các chuyên viên cân chỉnh sao cho vừa vặn với trò chơi. Hạn chế chọn trò chơi qua lớn, diễn ra quá dài (trên 30 phút) sẽ làm giảm sự tập trung chú ý của trẻ và gây ra sự nhàm chán.
+Ghi chép lại để theo dõi, đánh giá về sự tương tác, thích thú hay trẻ đã cải thiện được một kỹ năng nào đó từ đó đưa ra trò chơi mới phù hợp.
Các trò chơi chỉ định
1. Trò chơi Âm nhạc
a) Cách thức tiến hành
– Chuyên viên chọn các trò chơi phù hợp với đặc điểm lứa tuổi, nhận thức của trẻ.
– Chuẩn bị các đồ dùng, thiết bị trước khi tiến hành chơi.
– Phổ biến luật chơi, cách chơi, thứ tự chơi, … và làm mẫu cho trẻ nắm bắt.
– Đánh giá, nhận xét sau khi kết thúc trò chơi.
b) Một số trò chơi Âm nhạc
Trò chơi nghe nhạc nhảy vào vòng
Mục đích: Rèn cho trẻ những kỹ năng, chơi nhóm, biết cách tương tác với các bạn, hiểu cách chơi và rèn sự nhanh nhẹn trong vận động.
Cách chơi:
Cách 1: Trên sàn lớp các các vòng tròn (vòng thể dục hoặc vẽ bằng phấn). Số trẻ tham gia chơi nhiều hơn số vòng.
Ví dụ: 4 vòng 5 trẻ, hoặc 5 vòng 6 trẻ.
Trẻ nghe chuyên viên hát và đi xung quanh chỗ để vòng: Chuyên viên hát nhanh, trẻ đi nhanh. Chuyên viên hát chậm, trẻ đi chậm. Chuyên viên hát nhỏ trẻ đi chậm gần vào vòng. Chuyên viên hát to trẻ nhanh chân nhảy vào vòng. Mỗi vòng 1 người, bạn nào không chiếm được vòng là thua.
Cách 2: Chuyên viên không hát to, nhỏ, nhanh, chậm mà hát bình thường nhưng đến câu hát chuyên viên đã định trước thì nhảy vào vòng.
Ví dụ: Chuyên viên định trước câu “Cô dạy cháu múa ca” trong bài “Cô giáo miền xuôi”, đến từ “múa ca” thì trẻ nhảy vào vòng.
Trò chơi hát đúng từ theo câu hát
Mục đích: Rèn sự tập trung chú ý vào hoạt động, phát triển khả năng ngôn ngữ và ghi nhớ cho trẻ.
Cách chơi: Chuyên viên chọn một bài hát mà trẻ đã biết.
Ví dụ: Bài hát “Cả nhà thương nhau”. Chọn một từ ngữ trong bài hát như “Ba” hay “Xa”, …để trẻ nhớ lại xem từ đó có trong câu hát nào thì hát câu hát đó lên.
Trẻ chơi với nhiều hình thức như: Chơi cá nhân hoặc theo nhóm. Nếu ai không hát được sẽ bị loại còn ai là người cuối cùng vẫn hát được thì được thưởng.
Trò chơi “Xúc sắc vui nhộn”
Mục đích: Rèn cho trẻ cách chơi luân phiên, chờ đến lượt mình. Tăng khả năng tương tác với các bạn trong nhóm và phát triển ngôn ngữ giao tiếp.
Cách chơi:
Chia thành hai đội: Đội A và đội B, mỗi đội từ 2 đến 3 trẻ.
Đội A dán hình ảnh tương ứng với bài hát vào hộp vuông rồi tung lên hình ảnh nào thì đội B hát bài hát đó, chơi luân phiên lần lượt.
2. Trò chơi đóng vai
a) Khái niệm
Trò chơi đóng vai là loại trò chơi mà khi chơi, người chơi sẽ mô phỏng một khía cạnh nào đó của cuộc sống người lớn trong xã hội thông qua việc “đóng giả” một nhân vật nào đó để thực hiện chức năng xã hội của họ bằng những hành động mang tính tượng trưng.
b) Cách thức tiến hành trò chơi đóng vai
– Xác định chủ đề và đề ra nội dung chơi cho từng độ tuổi.
– Đề ra phương pháp và biện pháp hướng dẫn: Sử dụng 2 phương pháp là: trực tiếp và gián tiếp. Chuẩn bị góc chơi và đồ chơi cho trẻ theo chủ đề.
– Thỏa thuận trước khi chơi, đưa ra chủ đề chơi, phân vai cho nhau và xác định của trò chơi.
– Chơi theo chủ đề và nội dung đã vạch ra, giao tiếp với nhau, độc lập sáng tạo trong khi chơi và có sự liên kết giữa các nhóm trong khi chơi. Động viên và khuyến khích trẻ sáng tạo trong khi chơi.
c) Tác dụng của trò chơi đóng vai
– Đóng vai cho phép trẻ đối mặt với một tình huống mới trong một môi trường an toàn.
– Thực hiện các phản hồi đối với các tình huống cùng với sự hỗ trợ của chuyên viên và bạn bè giúp các trẻ hiểu được những mong đợi và điều gì mong đợi mình khi mình bước ra thế giới.
– Điều này mang lại cảm giác an toàn cho một trẻ phải vật lộn với quá trình chuyển đổi hoặc các tình huống bất ngờ.
– Trẻ được trao quyền để xử lý các tình huống mới một cách tự tin.
d) Một số trò chơi đóng vai
Trò chơi đóng vai bác sĩ (Chủ đề nghề nghiệp)
Mục tiêu: Các trẻ được hòa mình, nhập vai để được làm bác sĩ, bệnh nhân nhằm giúp các trẻ hiểu về nghề bác sĩ khám chữa bệnh là như thế nào, phát triển ngôn ngữ khi giao tiếp với bạn bè.
Cách chơi:
Chuyên viên chuẩn bị các vật dụng bác sĩ cần có: Ống nghe, mũ bác sĩ, băng gạc, đồ nghề bác sĩ, …
Chuyên viên giới thiệu và cho các trẻ nhận biết các vật dụng cần thiết của bác sĩ. Chọn một trẻ đóng vai làm bác sĩ, các trẻ còn lại đóng vai bệnh nhân đến khám bệnh. Sau đó các trẻ sẽ lần lượt đổi vai cho nhau.
Trò chơi “Mái ấm gia đình”
Mục đích: Rèn cho trẻ kỹ năng chơi giả vờ, cách giao tiếp với các bạn trong nhóm, thêm yêu bố, mẹ và gia đình của mình.
Chuẩn bị:
– Các đồ dùng gia đình: Bát, đũa, nồi, rau củ bằng nhựa,bếp,…
– Dụng cụ làm vườn: Cuốc, thùng tưới nước, cây,…
Cách chơi:
Cho trẻ đóng vai bố, mẹ, con. Ở mỗi vai, chuyên viên giới thiệu và làm mẫu cho trẻ nắm bắt được nhân vật: Bố đi làm vườn, mẹ ở nhà chăm sóc em và nấu ăn, con thì vui chơi và giúp mẹ.
Trò chơi tổ chức sinh nhật (chủ đề sinh nhật)
Mục đích: Luyện cho trẻ các hành vi giao tiếp, ứng xử lịch thiệp.
Chuẩn bị:
– Bàn ghế, đồ chơi để làm quà.
– Nhạc mừng sinh nhật
– Bánh kẹo, hoa quả (có thể dùng đồ chơi hoặc bánh kẹo thật).
Cách chơi:
Tổ chức sinh nhật: Có thể tổ chức riêng cho từng trẻ vào đúng ngày sinh nhật của trẻ đó hoặc tổ chức chung cho tất cả trẻ có ngày sinh nhật trong cùng tuần hay tháng đó.
Trong bữa tiệc sinh nhật của mình, trẻ phải tự giới thiệu tên và cảm xúc của mình (vui, buồn, …) trước lớp (nhóm).
Cả lớp vỗ tay chúc mừng và tặng quà sinh nhật cho bạn.
Cùng vỗ tay và hát các bài hát tập thể và ăn bánh kẹo, trái cây.
Kết thúc buổi sinh nhật: Trẻ được tổ chức sinh nhật , nói lời cảm ơn với các bạn đến dự rồi chia tay và chào tạm biệt khi các bạn ra về.
3. Trò chơi luân phiên
a) Khái niệm:
Chơi luân phiên là một cách để lấy lại sự kiểm soát đồ chơi nhằm giúp trẻ có cơ hội giao tiếp và tham gia với bạn.
b) Tác dụng của chơi luân phiên
– Chơi luân phiên giúp trẻ học cách cho và nhận.
– Chơi luân phiên thật cần thiết cho đàm thoại khi khả năng nói và ngôn ngữ đang phát triển.
c) Cách tiến hành chơi luân phiên
– Chuyên viên hãy làm mẫu cách chơi để trẻ hiểu và chơi đúng cách.
– Khi bắt đầu chơi, hãy giúp trẻ đoán trước đến lượt ai.
– Chơi lượt ngắn: Một số trẻ không thể chờ đợi quá lâu, gây ra sự nhàm chán.
– Hãy chờ đợi trẻ giao tiếp cho lượt của mình.
– Luôn luôn trả lại đồ chơi: Một số trẻ sẽ nghĩ nếu chơi luân phiên thì sẽ đánh mất đồ chơi mãi mãi. Chuyên viên dạy cho trẻ hiểu rằng chơi luân phiên là tương tác qua lại, sẽ trao đổi đồ chơi cho nhau.
d) Một số trò chơi luân phiên
Trò chơi “Thay đồ chơi khác nhau”
Mục đích: Giúp cho trẻ học cách đưa và nhận.
Cách chơi:
Đưa 1 đồ chơi, để cho trẻ chơi trong chốc lát. Sau đó hãy tỏ ý muốn đưa cho trẻ đồ chơi khác. Đưa đồ chơi cho trẻ khi đã trả lại đồ chơi ban đầu.
Trò chơi “Xe trượt dốc”
Mục đích: Rèn cho trẻ cách giao tiếp, tương tác qua lại và chờ đến lượt của mình.
Cách chơi:
Hãy dùng chiếc xe đồ chơi và cầu trượt. Nói gợi ý cho trẻ các bước sau: “1.Sẵn sàng, 2.Chuẩn bị, 3.Leo lên, 4.Tuột xuống”. “Bây giờ bắt đầu cô trước sau đó tới con”.
Trò chơi “Xây dựng”
Mục đích: Hiểu luật trò chơi, biết cách chơi luân phiên.
Cách chơi:
Chuyên viên để khối xây dựng trên đùi, đưa ra luật trong trò chơi “Cô xây trước sau đó tới phiên con “, chuyên viên lắp các viên gạch trước và sau đó đưa cho trẻ 1 khối xây dựng và nói “Tới phiên con”.
Các trò chơi khác
1. Trò chơi dân gian
Khái niệm
– Là loại trò chơi có từ rất lâu, phản ánh đời sống tâm lý, thiên nhiên của từng dân tộc nhằm giáo dục, xây dựng nhân cách và văn hoá dân tộc cho các trẻ.
– Là một trong những yếu tố hình thành nên bản sắc văn hoá của dân tộc.
– Trò chơi do người dân lao động sáng tạo ra, dựa trên việc lao động thường ngày, sau đó mô phỏng lại những hoạt động trong đời sống lao động hằng ngày.
Cách tổ chức
– Thông qua luật chơi.
– Phân công số người tham gia.
– Dụng cụ, trang phục khi tham gia trò chơi.
– Tổ chức trò chơi.
– Phổ biến nội dung chơi, luật chơi.
– Chơi thử.
– Chơi thật.
– Thưởng phạt.
Ưu điểm
– Rèn luyện thể chất, tính nhanh nhẹn, linh hoạt, kích thích sự thông minh, trí tuệ.
– Làm phong phú vốn từ qua các bài đồng giao, phát triễn ngôn ngữ, phát âm rõ ràng.
– Có thái độ đúng đắn trong các mối quan hệ gữa con người với con người, con người với thiên nhiên, đặc biệt giáo dục tinh thần đoàn kết phối hợp, yêu thương lẫn nhau.
– Dễ chơi, dễ tổ chức, ít tốn kém, vật liệu có sẵn trong tự nhiên. Trò chơi dân gian có nhiều loại hình phù hợp với tính cách của mỗi người như sôi nổi, điềm đạm hay trầm tính.
Nhược điểm
Cuộc sống hiện đại, với sự phát triển của công nghệ giải trí, nhiều khi trò chơi dân gian bị lãng quên. Trẻ em không còn say mê với các trò chơi dân gian mà hướng đến các trò chơi hiện đại. Trò chơi dân gian dần bị lãng quên ở giới trẻ.
2. Trò chơi trong nhà
Khái niệm
Trò chơi được tổ chức trong một không gian hẹp, bị giới hạn bởi tường vách và đồ đạc như trong phòng, lớp học, …Số người tham gia chơi là cá nhân hoặc một nhóm nhỏ.
Cách tổ chức
– Chọn trò chơi phù hợp với đặc điểm trẻ.
– Chuẩn bị đồ chơi phục vụ cho trò chơi.
– Chuyên viên giới thiệu nội dung trò chơi, luật chơi, …cho trẻ hiểu.
– Tham gia chơi.
– Nhận xét, khen thưởng sau chơi.
Ưu điểm
– Các trò chơi đơn giản, dễ thiết kế.
– Không ảnh hưởng bởi thời tiết, có thể tổ chức ở nhiều thời điểm khác nhau.
– Dễ quản lý khi tổ chức trong không gian hẹp.
– Phù hợp với nhóm chơi nhỏ.
Nhược điểm
– Bị giới hạn về không gian tổ chức.
– Trò chơi không đa dạng.
– Hạn chế số người tham gia.
3. Trò chơi ngoài trời
Khái niệm
Không gian chơi rộng và thoáng như: Sân chơi của trường học, trong vườn, công viên, … Số người tham gia chơi là một nhóm lớn. Bao gồm những hoạt động: Chạy nhảy, đuổi bắt hay những trò chơi như xích đu, cầu tuột, …đồ chơi xúc cát ở những khu trò chơi trong công viên.
Cách tổ chức
– Chọn địa điểm chơi (sân trường, công viên,…) phù hợp với trò chơi và số người tham gia.
– Chọn trò chơi thích hợp cho hoạt động nhóm.
– Chuẩn bị các vật dụng, đồ chơi cần thiết.
– Nắm vững và phổ biến luật chơi cho người chơi nắm bắt.
– Nhận xét, khen thưởng khích lệ khi kết thúc trò chơi.
Ưu điểm
Vui chơi ngoài trời không chỉ giúp trẻ trở nên hoạt bát mà còn hỗ trợ tăng cường sức khỏe, thể chất và tìm hiểu thế giới xung quanh, đồng thời còn hỗ trợ trẻ phát triển ngôn ngữ và giao tiếp cũng như các kỹ năng xã hội.
Nhược điểm
– Nhận thức của các trẻ không đồng đều, không thể tham gia các trò chơi yêu cầu nhóm lớn.
– Đòi hỏi điều kiện, cơ sở vật chất.
– Không gian rộng sẽ gặp khó khăn trong việc quản lý, giám sát, bảo đảm an toàn cho các trẻ.
4. Trò chơi hiện đại
Khái niệm
Trò chơi hiện đại là những trò chơi sử dụng thiết bị điện tử để tạo ra một hệ thống trò chơi giúp người chơi có thể điều khiển và tương tác.
Ưu điểm
– Là công cụ giải trí sau những giờ học tập căng thẳng.
– Là nơi kết nối bạn bè, trải nghiệm hình ảnh đặc sắc.
– Nâng cao khả năng nhanh tay, nhanh mắt, phản ứng nhanh.
– Cải thiện trí thông minh, tăng khả năng tương tác.
Nhược điểm
– Sức hấp dẫn của các trò chơi hiện đại sẽ làm tốn nhiều thời gian thậm chí khiến người chơi nghiện ngập, không làm được các công việc khác.
– Tổn hại tinh thần và sức khỏe khi đã lạm dụng.
– Nhiều hình ảnh bạo lực, ảnh hưởng không tốt đến nhận thức của trẻ nhỏ.