Rối Loạn Phổ Tự Kỷ Những Điều Cần Biết và Phương Pháp Can Thiệp Hiệu Quả

Rối Loạn Phổ Tự Kỷ: Những Điều Cần Biết và Phương Pháp Can Thiệp Hiệu Quả

Rối loạn phổ tự kỷ (Autism Spectrum Disorder – ASD) là một trong những rối loạn phát triển thần kinh phổ biến hiện nay. Với đặc điểm đa dạng về mức độ và biểu hiện, ASD không chỉ ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, tương tác xã hội mà còn tác động mạnh mẽ đến hành vi của người mắc. Bài viết này sẽ cung cấp một cái nhìn toàn diện về rối loạn này, từ nguyên nhân, triệu chứng đến các phương pháp giáo dục và can thiệp hiệu quả.

Những điều cần biết về rối loạn phổ tự kỷ

Rối loạn phổ tự kỷ là gì?

Rối loạn phổ tự kỷ (Autism Spectrum Disorder – ASD) là một rối loạn phát triển thần kinh, ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, tương tác xã hội và hành vi. Theo Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê Các Rối loạn Tâm thần (DSM-5) một tài liệu hướng dẫn được biên soạn bởi Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ và được các chuyên gia y tế sử dụng để chẩn đoán các rối loạn tâm thần, những người mắc ASD thường gặp khó khăn trong việc giao tiếp và tương tác xã hội, có sở thích hạn chế và hành vi lặp lại. Các triệu chứng ở ASD ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của họ trong môi trường học đường, công việc và các lĩnh vực khác trong cuộc sống.

Tính đa dạng của tự kỷ

ASD không giống nhau ở tất cả các cá nhân mà biểu hiện đa dạng với nhiều mức độ và hình thức khác nhau, từ nhẹ đến nặng ảnh hưởng khác nhau đến khả năng học tập và hòa nhập xã hội.. Những người mắc ASD có thể trải qua các triệu chứng từ ít ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và tương tác xã hội, đến những khó khăn nghiêm trọng ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động hàng ngày và khả năng học tập, làm việc, cũng như các mối quan hệ xã hội. Một số người mắc tự kỷ có khả năng giao tiếp và làm việc tốt, trong khi số khác cần hỗ trợ suốt đời. Điều này cho thấy ASD không chỉ là một rối loạn đơn lẻ mà là một phổ rộng với nhiều biểu hiện khác nhau.

Nguyên nhân gây tự kỷ

ASD là một rối loạn thần kinh sinh học phức tạp với sự kết hợp giữa yếu tố di truyền và môi trường:

Di truyền

ASD là một rối loạn thần kinh sinh học phức tạp, chịu ảnh hưởng của cả yếu tố di truyền và môi trường, tác động đến sự phát triển của não bộ trong các giai đoạn quan trọng. Nghiên cứu về ASD đang tiếp tục được tiến hành với mục tiêu làm rõ các cơ chế nguyên nhân tiềm ẩn, nhằm hiểu rõ hơn về cách mà các yếu tố di truyền và môi trường có thể tương tác và dẫn đến sự phát triển của rối loạn này.

Bản chất di truyền của ASD đã được xác định là một yếu tố quan trọng, được công nhận rộng rãi trong cộng đồng khoa học. Yếu tố di truyền của rối loạn phổ tự kỷ (ASD) đã được xác định là một thành phần quan trọng, được giới khoa học công nhận rộng rãi. Tuy nhiên, nhiều khía cạnh vẫn chưa được làm sáng tỏ, đặc biệt là mức độ ảnh hưởng và cơ chế di truyền cụ thể dẫn đến sự phát triển và tiến triển của ASD. Một nghiên cứu tổng hợp đã ước tính rằng tỷ lệ di truyền chiếm khoảng 83% nguy cơ mắc ASD trong các gia đình, điều này khẳng định yếu tố di truyền đóng vai trò chủ đạo trong rối loạn này. Các bằng chứng khác cũng cho thấy di truyền có thể đóng góp từ 56% đến 95%, trong khi các yếu tố môi trường chỉ chiếm từ 5% đến 44%.

Môi trường

Mặc dù di truyền đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ASD, nhưng đây không phải là yếu tố duy nhất. Các yếu tố từ môi trường xung quanh, cũng có ảnh hưởng đáng kể đến sự hình thành và phát triển rối loạn này. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng các yếu tố môi trường như hương liệu, thuốc trừ sâu, kim loại nặng và những tác nhân khác có ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình mang thai, góp phần làm tăng nguy cơ thai nhi mắc ASD. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ sinh non có nguy cơ cao mắc ASD, hoặc tiếp xúc với tác nhân có hại như natri valproate trong giai đoạn bào thai cũng làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển ASD. Ngoài ra, cha mẹ sinh con ở độ tuổi cao, có mối liên hệ chặt chẽ với việc gia tăng nguy cơ mắc ASD ở con cái.

Phương pháp giáo dục – can thiệp hiệu quả

ASD có sự đa dạng cao, biểu hiện khác nhau ở từng trẻ, vì vậy việc giáo dục và can thiệp phù hợp  là rất quan trọng để nâng cao khả năng và chất lượng cuộc sống của trẻ.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, can thiệp hành vi chuyên sâu nếu được thực hiện sớm từ độ tuổi mẫu giáo và duy trì trong khoảng thời gian 2-3 năm, có thể mang lại những cải thiện đáng kể trên nhiều khía cạnh. Một nghiên cứu khác cho rằng thuốc hướng thần có thể giúp giảm thiểu một số hành vi của trẻ ASD, nhưng không phải là phương pháp tối ưu trong việc can thiệp toàn diện. Vì vậy, trẻ ASD cần được can thiệp sớm và áp dụng các phương pháp can thiệp toàn diện, bao gồm giáo dục đặc biệt, liệu pháp hành vi và hỗ trợ xã hội, để đạt được kết quả tốt nhất trong việc phát triển và giảm thiểu các khó khăn liên quan.

Hiện nay có nhiều phương pháp can thiệp được áp dụng nhằm giảm thiểu các triệu chứng cốt lõi của rối loạn phổ tự kỷ (ASD). Mặc dù hầu hết trẻ em đều đạt được những tiến bộ nhất định theo các mục tiêu đề ra, nhưng tốc độ tiến triển lại khác nhau ở mỗi cá nhân, và không có phương pháp can thiệp nào có thể cải thiện tất cả các triệu chứng của ASD một cách toàn diện. Vì thế, các chương trình giáo dục đặc biệt cần được thiết kế phù hợp với nhu cầu riêng của từng trẻ, giúp cải thiện kỹ năng giao tiếp, hành vi và nhận thức. Một nghiên cứu cho rằng việc can thiệp cá nhân có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng tổng quát của ASD và phát triển khả năng ngôn ngữ biểu đạt.

Để can thiệp hiệu quả cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ (ASD), việc ứng dụng các phương pháp giáo dục như phân tích hành vi ứng dụng (Applied Behavior Analysis – ABA) và Chương trình giảng dạy cho trẻ tự kỷ (Treatment and Education of Autistic and Related Communication Handicapped Children – TEACCH) là rất cần thiết. ABA tập trung vào việc phân tích hành vi và áp dụng các kỹ thuật thay đổi hành vi để cải thiện các kỹ năng học tập và xã hội của học sinh. Phương pháp giáo dục này có tính linh hoạt cao, có thể điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu cụ thể của mỗi  học sinh. Trong khi đó, TEACCH chú trọng việc tổ chức môi trường học tập thông qua phương pháp cấu trúc, giúp học sinh dễ dàng tiếp cận bài học thông qua các công cụ hỗ trợ như hình ảnh trực quan, bảng thời gian và lịch trình, giúp trẻ dễ dàng tiếp cận và tiếp thu bài học. Cả hai phương pháp giáo dục này đều nhằm mục tiêu phát triển các kỹ năng giao tiếp, học tập và hành vi xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng hòa nhập của trẻ mắc ASD.

Y học bổ sung và thay thế (Complementary and Alternative Medicine – CAM) trong can thiệp cho trẻ tự kỷ

Y học bổ sung và thay thế (Complementary and Alternative Medicine – CAM) là một lựa chọn trị liệu bổ sung cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ (ASD). Mặc dù các thử nghiệm lâm sàng liên quan đến CAM trong việc can thiệp cho trẻ tự kỷ khá nhiều nhưng dữ liệu về hiệu quả của các liệu pháp CAM trong điều trị ASD vẫn còn hạn chế.

Một nghiên cứu tổng quan đã đánh giá các thử nghiệm lâm sàng liên quan đến CAM trong ASD xác định được 2687 tài liệu lâm sàng. Sau khi sàng lọc, có 80 nghiên cứu đáp ứng tiêu chí trong việc mang lại kết quả chính về tác động của việc sử dụng CAM đối với các triệu chứng cốt lõi của ASD. 

Mặc dù không có bằng chứng đầy đủ để khẳng định hiệu quả của các liệu pháp CAM trong điều trị ASD, tuy nhiên một số liệu pháp thuộc nhóm liệu pháp CAM như trị liệu âm nhạc tích hợp cảm giác, châm cứu và massage đã cho thấy những kết quả đầy hứa hẹn trong các nghiên cứu.

Thuốc Trong Điều Trị Rối Loạn Phổ Tự Kỷ

Hiện nay, chưa có loại thuốc nào có thể chữa khỏi ASD hoặc khắc phục hoàn toàn tất cả các triệu chứng liên quan. Tuy nhiên, một số loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị các triệu chứng cụ thể, đặc biệt là những hành vi hung tính nghiêm trọng. Những loại thuốc này thường được kê để kiểm soát các hành vi như tự gây thương tích hoặc hung hăng ở mức độ cao. Tuy vậy, những loại thuốc này thường đi kèm các tác dụng phụ, phổ biến nhất là sự thay đổi trong cảm giác thèm ăn, cân nặng và giấc ngủ. Do đó, việc sử dụng thuốc cần được cân nhắc kỹ lưỡng và tuân thủ theo chỉ định của chuyên gia y tế.

Cảnh Giác với các Phương Pháp Điều Trị Không Được Chứng Minh

Hiện tại, không có cách có thể chữa khỏi rối loạn phổ tự kỷ (ASD). Bất kỳ sản phẩm hoặc phương pháp nào tuyên bố chữa khỏi ASD đều gây hiểu lầm và tiềm ẩn rủi ro sức khỏe nghiêm trọng. Một số phương pháp như “thải độc kim loại nặng,” liệu pháp oxy tăng áp, tắm đất sét giải độc, sữa lạc đà thô, MMS (clo dioxit), và tinh dầu đã được quảng cáo không đúng cách là có thể điều trị ASD. Tuy nhiên, những phương pháp này không có bằng chứng khoa học rõ ràng và chưa được chứng minh an toàn hoặc hiệu quả.

Điều trị đúng cách là yếu tố then chốt trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ (ASD), việc can thiệp sớm và áp dụng phương pháp can thiệp cá nhân hóa là những yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, khi lựa chọn phương pháp điều trị, cần thận trọng với những sản phẩm hoặc phương pháp tuyên bố “chữa trị nhanh chóng” hoặc là “giải pháp thần kỳ”, vì chúng thường thiếu bằng chứng khoa học đáng tin cậy. Lời chứng thực cá nhân, dù hấp dẫn, cũng không thể thay thế cho các nghiên cứu khoa học nghiêm ngặt. Vì vậy, trước khi áp dụng bất kỳ liệu pháp nào, cần tham khảo ý kiến chuyên gia để đảm bảo liệu pháp phù hợp, an toàn và hiệu quả trong điều trị.

 Chuyển đổi góc nhìn: Từ chữa trị tự kỷ đến thúc đẩy sự hòa nhập

Rối loạn phổ tự kỷ (ASD) từ lâu đã được xem xét dưới góc nhìn y học, với mục tiêu chính là tìm kiếm “phương pháp chữa trị”. Tuy nhiên, quan điểm này dần trở nên không phù hợp, bởi ASD không phải là một căn bệnh cần được chữa khỏi, mà là một biểu hiện của sự đa dạng thần kinh tự nhiên ở con người. Cùng với nhận thức xã hội ngày càng tăng và sự phát triển của các phương pháp can thiệp, trọng tâm hiện nay đã chuyển từ việc “loại bỏ” đặc điểm tự kỷ sang thúc đẩy hòa nhập xã hội.

 Thay vì tập trung vào việc loại bỏ những đặc điểm của tự kỷ, xã hội đang hướng tới việc hỗ trợ trẻ mắc ASD vượt qua những khó khăn cá nhân, từ đó giúp họ phát triển và hòa nhập trong cộng đồng. Việc coi trọng mô hình xã hội và tính đa dạng thần kinh, thay vì tập trung vào mô hình y học, không chỉ giúp giảm kỳ thị mà còn khuyến khích sự chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt ở trẻ phổ tự kỷ như một phần tự nhiên của xã hội. Trong tương lai, sự hợp tác giữa hai mô hình có thể tạo ra những phương pháp hỗ trợ tốt hơn, giúp các cá nhân tự kỷ phát huy tối đa tiềm năng của mình và đạt được sự hòa nhập tốt hơn trong cộng đồng.

Kết luận

ASD không phải là một rào cản không thể vượt qua; sự kết hợp giữa giáo dục cá nhân hóa và các liệu pháp hỗ trợ phù hợp sẽ giúp trẻ phát huy tối đa khả năng của mình. Tuy nhiên, cần phải cảnh giác với các phương pháp chưa được kiểm chứng. Việc lựa chọn phương pháp can thiệp cần phải dựa trên bằng chứng khoa học vững chắc và sự tư vấn từ các chuyên gia trong lĩnh vực này để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn cho trẻ.

Theo: Thạc sĩ Giáo dục đặc biệt Tạ Thị Đào

You cannot copy content of this page

Hotline: 0933 257 004