Giải pháp ngăn ngừa từ cha mẹ.
Nuôi dạy con trẻ chính là hành trình cha mẹ lớn lên cùng con. Trên hành trình ấy sẽ có rất nhiều cảm xúc đan xen. Bên cạnh những cảm xúc tích cực như hạnh phúc, yêu thương, vui mừng thì cũng sẽ tồn tại những cảm xúc theo chiều hướng ngược lại: buồn bã, chán nản, thất vọng. Và chắc chắn sẽ có trạng thái cẳng thẳng, bối rối, không biết xử trí ra sao, có thể là xung đột của ba mẹ trước những cơn bùng nổ ở trẻ, nhất là trẻ có nhu cầu đặc biệt.
Vậy làm sao để ngăn cản cơn bùng nổ ở trẻ cũng như những căng thẳng, xung đột nơi cha mẹ ???
Trong một bản tổng kết quá trình nghiên cứu 25 năm về hiệu quả của trị liệu tâm lý, Lebow (2007) đã kết luận rằng với bất kì phương án nào thì trị liệu tâm lý hầu như chỉ có tác dụng khi giữa người có vấn đề tâm lý và nhà trị liệu có một mối quan hệ mạnh mẽ và tích cực. Một số nhân tố góp phần xây dựng mối quan hệ tích cực đó là sự quan tâm, ấm áp, mang tới cho nhau những hi vọng, những mong đợi về điều tốt đẹp hơn. Và đặc biệt chính là sự CHẤP NHẬN và TÔN TRỌNG.
Khi chúng ta chấp nhận và tôn trọng con trẻ, chúng ta đã thiết lập mối quan hệ tích cực mà nhờ đó, ta có thể giúp các em học tập những kĩ năng mới. Do vậy, cha mẹ cần:
1. Kiểm soát sự thất vọng của chính mình
- Coi những hành vi thách thức của con như là một phần của sự phát triển BÌNH THƯỜNG.
- Đừng coi những hành động của con tốt xấu thế nào là do khả năng của chúng ta mà hãy coi đó là BIỂU HIỆN trẻ không có khả năng xoay xở với sự thất vọng.
- Hiểu rằng những hành vi có vấn đề chỉ mang tính TẠM THỜI cho tới khi chúng ta có thể tìm ra cách tốt hơn để xử lý và ngăn chặn tình huống đó.
- KIỂM SOÁT hành động của mình đối với những hành vi thách thức của trẻ.
- TỰ TRẤN AN bản thân khi thấy mình trở nên nóng tính.
2. Phát triển năng lực
Khi thấy tự tin về khả năng của mình, trẻ sẽ tích cực hơn và có động lực để lắng nghe hơn. Chúng ta xây dựng sự tự tin này bằng cách tán thưởng và hướng trẻ tới các hoạt động nằm trong khả năng của các em.
- Hướng trẻ vào những CÔNG VIỆC GIA ĐÌNH như xếp quần áo, chuẩn bị bàn ăn, dọn dẹp, … Kể cả khi những việc này phải làm lâu hơn khi có sự tham gia của trẻ.
- Xác định những lĩnh vực trẻ có KHẢ NĂNG TỰ NHIÊN ĐẶC BIỆT và nghĩ ra các hoạt động trong những lĩnh vực này (thể dục, âm nhạc, múa, hội họa, đam mê nghiên cứu, …).
- Tránh những đòi hỏi vượt ngoài khả năng. Điều chỉnh để những yêu cầu ở trường hay ở nhà đều nằm trong VÙNG PHÁT TRIỂN GẦN của trẻ.
- Nguyên tắc 80/20
Để giúp trẻ cảm thấy có động lực và tự tin, ta phải giao những việc mà trẻ có thể hoàn thành, chứ không phải việc mà các em không thể làm được.
Trong lĩnh vực giáo dục, điều này thường được hiểu với nguyên tắc 80/20.
- Trước tiên, giao cho trẻ 80% các yêu cầu mà trẻ có thể thực hiện được.
- Sau đó, giao 20% các yêu cầu khó hơn.
3. Lường trước nản lòng như một phần của sự học hỏi
- Giúp trẻ nhìn nhận thất bại và sự nản chí như một phần ban đầu của quá trình học hỏi.
- Truyền cho trẻ hi vọng rằng nỗ lực không mệt mỏi sẽ giúp trẻ vượt qua thử thách.
- Cần khen ngợi những nỗ lực của trẻ hơn là chỉ khen ngợi những khả năng sẵn có.
- Cho trẻ hiểu được ý nghĩa của làm việc chăm chỉ và thực hành, hơn là việc trẻ có thành công hay không.
4. Khi nào nên tránh việc so găng?
- Đấu tranh quyền lực không ngừng chỉ gây căng thẳng cho mọi người và dần dần quá vỡ mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
- Nếu trẻ đã được chuẩn bị để đối mặt với thử thách và đã được dạy những kĩ năng để đối phó với tình huống đó, chúng ta có thể yêu cầu trẻ làm, bỏ qua sự kháng cự và để đấu tranh quyền lực diễn ra.
- Nếu trẻ chưa có kĩ năng đối mặt với thử thách, chúng ta nên tránh làm điều đó.
5. Tránh mất phương hướng
- Các hoạt động của trẻ cần được cấu trúc rõ ràng, lên kế hoạch cụ thể.
- Phân biệt rõ việc gì phải làm, được làm và không được làm.
- Xây dựng một số các “luật” : Nếu … thì ….
- Thống kê tất cả các hoạt động, quy định thưởng – phạt rõ ràng.
- Đưa ra giới hạn, phương thức hành động càng chi tiết thì trẻ càng dễ hiểu, dễ nhớ và thể hiện được cách cư xử đúng trong từng tình huống cụ thể.
- Yêu cầu tất cả phải thực hiện đúng theo “luật”, cả trẻ và cha mẹ.
- Mọi hành động cần phải nhất quán để tạo thành thói quen, nề nếp.
- Mọi hành vi ứng xử đối với trẻ hay đối với chính mình đều căn cứ vào “luật” đã đề ra. Không hành xử theo cảm tính.
►Trẻ nhìn vào “luật” chứ không đòi hỏi cha mẹ vô cớ, mè nheo, …
► Trẻ cảm thấy tự tin, tự do trong khuôn khổ đã đề ra.
Tôn trọng “luật” chính là tôn trọng trẻ!