(Dân trí) – Chuyên gia cảnh báo, không chỉ những khu vực nước lớn, nước sâu mới là nơi có nguy cơ gây đuối nước cho trẻ mà ngay những hồ cá cảnh, thậm chí vũng nước nhỏ cũng tiềm tàng rủi ro chết người trên.
Mới đây, sự việc một cháu bé 3 tuổi ở Bình Phước tử vong thương tâm vì đuối nước sau khi rơi xuống hồ cá Koi của quán cà phê khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, xót xa.
Theo thông tin ban đầu, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán, cha mẹ đưa bé đi chơi, đến một quán cà phê cá Koi tại địa phương.
Trong lúc ở quán cà phê, bé chạy chơi tự do xung quanh. Mãi một lúc sau khi không thấy bé, phụ huynh mới tỏa ra tìm kiếm thì tá hỏa phát hiện người dân đã vớt bé từ hồ cá Koi lên và đang sơ cứu, trong tình trạng nguy kịch.
Bệnh nhi được đưa đến bệnh viện tỉnh Bình Phước khi đã ngưng tim ngưng thở, trước khi được chuyển tiếp lên Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM). Tại đây, các bác sĩ xác định bé đã viêm phổi nặng, không còn hô hấp tuần hoàn. Sau 2 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi không qua khỏi tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc.
Hiểm họa đến từ “vũng nước nhỏ”
Trao đổi với Dân trí, ông Phan Thế Hải, Phó Trưởng Văn phòng đại diện tại TPHCM, Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực trị liệu, giảng dạy kỹ năng sống cho trẻ chia sẻ, sự việc trên là bài học không chỉ cho phụ huynh mà còn với cộng đồng.
Ông Hải phân tích, mỗi đứa trẻ là một “nhà thám hiểm cảm quan”. Trong những nghiên cứu của mình, nhà giáo dục nổi tiếng Maria Montessori (người tạo ra phương pháp giáo dục Montessori) nói rằng, trẻ bắt đầu trải nghiệm thế giới bằng cảm quan ngay từ lúc mới lọt lòng mẹ.
Sau khi chào đời, thông qua những giác quan, đứa trẻ sẽ học về môi trường xung quanh mình. Và qua các bài học đó, trẻ mới hiểu được thế giới mà chúng đang là một thành phần ở trong đó.
Tuy nhiên theo chuyên gia, ở từng giai đoạn phát triển, mỗi em lại có tích lũy khác nhau về mặt kinh nghiệm, cảm giác. Ngay như cảm giác về sự nguy hiểm, mất an toàn của mỗi trẻ cũng khác nhau và khác với cảm nhận của người lớn. Cụ thể, người lớn cho rằng nguy hiểm nhưng đứa trẻ lại không hiểu như thế.
Bên cạnh đó, việc xử lý của đứa trẻ khi gặp tình huống nguy hiểm như “kêu cứu” cũng chưa được hướng dẫn sâu rộng trong cộng đồng, dẫn đến nhiều trường hợp can thiệp không kịp thời. Đôi khi, tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng có một phần do người lớn chủ quan về mức độ nguy hiểm đối với trẻ nhỏ.
Ông Hải nhận định, đuối nước là một tai nạn thường xảy ra đối với trẻ em, kể cả trẻ ở nông thôn lẫn thành phố. Trẻ biết bơi vẫn có thể bị đuối nước. Đặc biệt, không chỉ những hồ lớn, nước sâu mới là nơi có nguy cơ gây đuối nước cho trẻ mà ngay những khu vực nước nông (như hồ cá cảnh) cũng tiềm tàng rủi ro đuối nước.
Ông Hải phân tích, khi trẻ bị té ngã ở những nơi nước nông thì dễ bị choáng, thậm chí bị ngất. Cảm giác đau sẽ khiến trẻ không thể đứng lên ngay. Chỉ một vũng nước nhỏ đủ che kín mặt trẻ, khiến trẻ không thở được là đã gây ra đuối nước.
Sau 2-4 phút không thở thì não bắt đầu chết và nạn nhân mất phản ứng. Từ đó làm hạn chế rất nhiều cho việc phát hiện và ứng cứu.
Các việc phụ huynh, xã hội cần làm
Để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra, chuyên gia khuyến cáo cần có nhiều việc phụ huynh và xã hội, cộng đồng phải thực hiện.
Đối với cha mẹ, luôn giám sát trẻ khi chơi ở gần khu vực có ao, hồ. Tuyệt đối không cho trẻ chơi ở gần khu vực có ao hồ mà không có sự giám sát và phải hướng dẫn cho trẻ hiểu về những mối nguy hiểm khi chơi với nước một mình
Trẻ cần được tập bơi sớm. Tùy tình trạng sức khỏe của trẻ, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ tập bơi.
Phụ huynh cần hướng dẫn cho trẻ hiểu và tuân thủ về những biển báo nguy hiểm (nước sâu) hoặc nội quy ở nơi có nước (hồ bơi, ao, hồ,…). Khi sức khỏe của trẻ không tốt (sốt, chóng mặt, mệt mỏi, …) thì không nên cho trẻ chơi (bơi) với nước.
Ngoài ra, cha mẹ, người chăm sóc cần có kĩ cơ bản về xử lý sơ cấp cứu đuối nước.
Đối với các quán cà phê có hồ nước, cần phải có lan can đảm bảo an toàn cho trẻ. Chiều cao của lan can từ khoảng 1m đến 1,5m.
Nên có sự giám sát ở khu vực hồ nước (trực tiếp hoặc camera). Đối với camera có thể thiết lập chế độ phát hiện vật chuyển động ở khu vực mặt hồ, như vậy khi có sự cố người lọt xuống hồ thì camera sẽ cảnh báo, sự việc sẽ được phát hiện ngay, việc cứu hộ sẽ được tiến hành kịp thời.
Quán cà phê cũng phải đặt biển báo nguy hiểm hoặc cảnh báo phù hợp để nhắc nhở trẻ em và phụ huynh.
Theo Bệnh viện Nhi đồng 2, việc sơ cứu đuối nước ban đầu kịp thời, đúng kỹ thuật đóng vai trò quyết định sự sống còn và di chứng về sau của trẻ.
– Cách sơ cứu tại hiện trường:
Nếu trẻ mê: hồi sức hà hơi thổi ngạt khi còn dưới nước, sau vài nhịp trẻ sẽ đáp ứng, sau đó nhanh chóng đem lên bờ.
Nếu trẻ mê nhưng còn thở (lồng ngực còn di động): đặt tư thế nằm nghiêng, nhanh chóng đưa đến bệnh viện.
Nếu trẻ ngưng thở (lồng ngực bất động): thực hiện hồi sức tim phổi (ấn tim, hà hơi thổi ngạt), gọi cấp cứu hỗ trợ.
Nếu trẻ tỉnh: mang lên bờ, đặt trẻ nằm ngửa, đầu lưng trên cùng mặt phẳng, nơi khô ráo, thoáng khí, nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện.
Một số xử trí sai lầm, làm mất thời gian vàng trong sơ cấp cứu cần tránh, bao gồm: Không sốc nước, không ấn bụng, không hơ lửa, không đặt nạn nhân nằm đầu thấp để nước chảy ra…
Bác sĩ khuyến cáo, điều quan trọng nhất trong thực hiện phòng ngừa đuối nước ở trẻ em là ý thức của phụ huynh trong việc chăm sóc, bảo vệ con em mình.
Các bậc cha mẹ phải luôn giám sát con em mình khi đi tắm biển, ao, hồ; đậy kín các vật dụng chứa nước trong nhà; không để trẻ nhỏ ở nhà một mình, đặc biệt đối với các trẻ mới biết đi, trẻ hiếu động luôn muốn tìm tòi hiểu biết thế giới xung quanh.
Theo Báo Dân Trí Trích Dẫn Link https://dantri.com.vn/suc-khoe/tre-tu-vong-thuong-tam-khi-te-vao-ho-ca-koi-hiem-hoa-tu-vung-nuoc-nho-20230201085839067.htm?gidzl=I-ss3VuTOWrBzRG3-Gjc2K_yimZaMsC0LwdbNR09C5C3hkHJubWw2WMilbQrMMvM0lhjLpU5nkSu_1XW30