Ngày nay, có rất nhiều khoá học dạy trẻ tự tin hơn, ba mẹ cũng cố gắng bằng mọi cách để con thành công hơn, và cho rằng con sẽ hạnh phúc hơn. Nhưng hạnh phúc đó nhiều khi bị hiểu lầm là con phải hơn người khác, hạnh phúc có được nhờ sự so bì. Và để tự tin, hạnh phúc, thành công, con luôn phải đặt mình trong cuộc đua của sự cạnh tranh.
Ba mẹ vẫn biết điều đó là không tốt, nhưng điều tệ hại hơn là không dám thay đổi vì những áp lực của tâm thức cộng đồng. Thế giới đang thay đổi nhanh chóng, đầy rẫy những bất an bằng những hình thức sáng tạo nhất. Điều quan trọng nhất cha mẹ có thể làm để giúp con ứng phó trước những nỗi lo là giúp con có một niềm hạnh phúc và sự tự tin nội tại.
Trong thực tế, học là một hoạt động diễn ra hàng ngày một cách thiết yếu. Hơn thế nữa chúng ta không bao giờ ngừng việc học, chúng ta học suốt cả cuộc đời. Điều này được xem như học tập là hoạt động suốt đời.
Học là một quá trình phức tạp và nhiều thách thức.
Học tập là một hoạt động mang tính cá nhân cao.
Việc học diễn ra một cách có thức và không có ý thức. Nó không thể luôn được tính bằng kết quả.
Học là để biết, để hiểu, để cảm nhận, để ý thức.
Học là gom góp những kinh nghiệm sống.
Học là để hòa đồng với thế giới chung quanh, để tìm ra được hướng đi cho chính bản thân, để sống hạnh phúc và chia sẻ hạnh phúc với mọi người.
Việc học phát triển dựa vào nền tảng những kinh nghiệm có trước. Những kinh nghiệm và kiến thức mới được kết hợp và liên kết với những kinh nghiệm và kiến thức đã có.
Thật khó để định nghĩa việc học bởi đó là một hoạt động mang tính cá nhân và phức tạp. Học là sự thay đổi và phát triển mang tính cá nhân của một người. Khi một người học, bộ não lĩnh hội thông tin mới. Nhưng học không phải chỉ để tiếp nhận thông tin. Đúng hơn, học có nghĩa là chúng ta tạo ra những kinh nghiệm mới nhằm thay đổi những kiến thức và hành vi ứng xử cũ.
Theo tác giả sư phạm người Nga L.S.Vygotsky, sinh hoạt của trẻ được phân chia thành 3 vùng khác nhau:
Vùng thứ nhất mang tên là vùng tự lập, bao gồm những sinh hoạt mà trẻ có thể thực hiện một mình, không cần người lớn hướng dẫn, nâng đỡ và khuyến khích…
Vùng thứ ba mang tên là vùng xa lạ, bao gồm những gì trẻ không biết làm, vì chưa bao giờ học làm. Nếu bị ép buộc phải sinh hoạt tức khắc trong vùng này, khi chưa bao giờ được chuẩn bị một cách kỹ càng và chu đáo, trẻ sẽ “chạy trốn”, từ chối, lo sợ, lăng xăng, náo động hay là ù lì, bị động…
Vùng thứ hai ở giữa vùng tự lập và vùng xa lạ, mang tên là vùng học tập là vùng chuyển tiếp. Trong vùng này, người lớn làm vai trò Trung Gian, bằng cách thực hiện những động tác cụ thể sau đây:
- Có mặt với trẻ một cách tích cực, nghĩa là đặt trọng tâm vào trẻ, dùng lời nói để phản ánh hai phạm vi hoạt động, thay vì điều khiển một cách độc đoán, áp đặt từ ngoài những điều phải làm, những chương trình lý thuyết, do người lớn sắp sẵn.
- Ghi nhận những gì trẻ đã có thể làm một mình, bất kể điều ấy là đánh giá tích cực hay tiêu cực. Tất cả những dấu hiệu và chúng ta đã liệt kê về hành vi của trẻ.
Liệu ba mẹ có thể “học” thay cho con những điều trên khi chúng ta không thể ở đó mãi để hướng dẫn chúng? Hay để lại tất cả tài sản và những điều tốt đẹp mà chúng ta tạo dựng ra để giúp con học được những điều trên?
Kiến thức rất quan trọng, kỹ năng rất quan trọng, tuy nhiên cả một chặng đường dài phía trước, vậy thì điều gì cần phải được bồi đắp từ rất sớm cho một đứa trẻ?
1. Khả năng tự học:
Một trong những kỹ năng quan trọng cần được rèn cho trẻ khi còn nhỏ chính là KHẢ NĂNG TỰ HỌC. Tự học giúp trẻ chủ động và thích nghi được với những thay đổi bên ngoài. Khả năng tự học thể hiện ở quá trình tự Quan sát – Phân tích – Đúc kết được vấn đề, hiện tượng thông qua những trải nghiệm thực tế.
Điều đó đồng nghĩa người lớn chỉ là người hướng dẫn, con các con phải tự trải nghiệm lấy để rút ra bài học cho mình. Các con có quyền được sai, học cách thất bại và được chấp nhận là – mình.
2. Sự kiên trì – nhẫn nại với những khó khăn
Dù thông minh, tài giỏi đến đâu thì những điều không như ý vẫn luôn xảy đến. Chúng ta không thể dọn sạch khó khăn trên bước đường con đi, nhưng lại có thể giúp con có một nội lực bên trong để đương đầu với những khó khăn.
Sự dũng cảm khi quyết định làm một điều gì đó khác đi, khó hơn.
Sự kiên nhẫn để đi đến cùng, để chịu đựng những khó khăn.
Sự tĩnh lặng trước những đổi thay của cuộc đời.
3. Tình yêu thương với sự sống xung quanh
Và “Sứ mệnh của giáo dục không phải là để tạo ra những kỹ sư, những nhà khoa học, những người nắm trong tay đủ mọi loại kiến thức, mà ý nghĩa sau cùng của giáo dục là khiến cho con người biết trân trọng sự sống, cảm nhận sự sống trong tổng thể, yêu mến đối với mọi sự sống trên thế giới này.” – Krishnamurti.
Hạnh phúc có một ý nghĩa lớn hơn chính là sự sẻ chia, và chúng ta không thể trao tặng ai điều gì nếu chúng ta không có những thứ đó trong lòng. Vun đắp cho con lòng yêu thương, học cách sẻ chia, tôn trọng xung quanh, đó có lẽ là gia tài lớn nhất mà cha mẹ có thể để lại cho con.
Sau tất cả, việc học mang một ý nghĩa lớn hơn là dạy trẻ có tình yêu thương để chia sẻ và thông cảm với mọi người, có đủ Trí Tuệ để phân biệt đúng sai, sáng tạo, dạy cho trẻ sự kiên nhẫn và lòng dũng cảm để vượt qua những thử thách trên đường đời.
Cân bằng giữa nuôi dưỡng Đạo đức, trau dồi Trí tuệ và rèn luyện Nghị lực là giá trị cốt lõi trong triết lý đào tạo của Thành Nhân.
Việc học của trẻ mặc dù có nhiều khó khăn. Dạy con học là cả một hành trình dài, mà trong đó ba mẹ là người dẫn dắt con đến chân trời mới và mọi điều trong cuộc sống. Tính cách, hạnh phúc của con phụ thuộc nhiều về vào cách giáo dục từ ba mẹ. Thành Nhân sẽ đồng hành cùng ba mẹ cân bằng giữa nuôi dướng Đạo Đức, trau dồi Trí Tuệ và rèn luyện Nghị Lực để các con có cuộc sống Hạnh Phúc nhất.
Bài viết liên quan